Thành Phố Bắc Ninh Giải Quyết Việc Làm Cho Người Lao Động

Nhờ sự quan tâm của chính quyền đối với người dân, những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại thành phố Bắc Ninh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bắc Ninh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội. Với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh, cộng với tiềm năng đất đai sinh lợi cao, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông thuận lợi nên thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, đầy triển vọng. Đây là những yếu tố quan trọng để thành phố vươn lên phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với lợi thế trên là những thách thức không nhỏ cho địa phương khi tốc độ đô thị hoá nhanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mở rộng quy mô, dẫn đến diện tích sản xuất sẽ thu hẹp, nông dân thiếu việc làm. Trong khi nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhiều năm qua, giải quyết việc làm cho người lao động ở Bắc Ninh đạt được những kết quả khả quan, trung bình mỗi năm giải quyết được từ 5000 đến 5.200 lao động. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động khoảng 103.000 người. Trong đó, có khoảng 80-82% có việc làm thường xuyên. Đây là một con số khá ấn tượng. Bắc Ninh ngày càng có nhiều doanh nghiệp, dự án được triển khai và đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho người lao động dáng kể. Hiện tại thành phố có hơn 1.247 doanh nghiệp với nhiều dự án lớn đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Thời gian tới, nhiều dự án thu hút và đi vào hoạt động như: Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Thống kê, dự án Samsung Display trên 1 tỷ USD ở Khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh… hứa hẹn sẽ giải quyết cho hàng ngàn lao động.

Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, thành phố tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề bằng nhiều nguồn kinh phí để người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Nhưng phần lớn lao động sau khi được đào tạo xong không tìm được cơ hội, không vận dụng được những kiến thức được đào tạo. Trước vấn đề này, các cơ sở dạy nghề của thành phố cần làm việc với các công ty lớn như: Samsung, Canon… để đặt vấn đề cung cấp lao động theo hình thức đào tạo lao động gắn với giải quyết việc làm.

Theo bà Trần Hồng Diễm, các cơ sở dạy nghề chủ động được nguồn ra sẽ tạo điều kiện cho thanh niên địa phương được đào tạo nghề sau khi ra trường được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Điểm quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố chính là phong trào xuất khẩu lao động. Hiện nay, lao động đi xuất khẩu nước ngoài của thành phố gần 700 người. Để vận động, tuyên truyền cũng như hướng dẫn cho người dân, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cung ứng lao động, tổ chức các hội nghị tư vấn. Vì vậy, nhiều lao động có thông tin đầy đủ và chính thống để đi đúng hướng, phù hợp với điều kiện cũng như năng lực, trình độ tay nghề của bản thân.

Trong những năm qua, thành phố còn chú trọng đẩy mạnh phát triển các làng nghề và phát triển thêm nghề mới để nâng cao giá trị sản xuất cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều làng nghề nổi tiếng và ngày càng phát triển như: Làng nghề bún bánh ở Khắc Niệm, sản xuất giấy ở Phong Khê, mộc mỹ nghệ ở Khúc Xuyên. Việc phát triển các làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động nông thôn.

Bắc Ninh tập trung giải quyết việc làm cho lao động bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đạt được những kết quả đáng khích lệ nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, khó khăn như trình độ, năng lực của người lao động chưa cao, tâm lý thụ động, chưa mạnh dạn vươn lên làm giàu, công tác đào tạo nghề còn hạn chế… là những thách thức không nhỏ cho địa phương. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi thành phố cần có giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nhất là lao động nông thôn; phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ, tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng địa phương, tăng cường thông tin, tuyên truyền giới thiệu việc làm và định hướng cho lao động để tìm được việc làm ổn định.

Tam Đảo-Vĩnh Phúc, Điểm Đến Quyến Rũ Cho Du Lịch Nghỉ Dưỡng

Mục tiêu phát triển chung của ngành du lịch của Tam Đảo là “Phấn đấu đến năm 2020 du lịch, dịch vụ phát triển, tạo được những nét đặc trưng riêng, thích hợp với tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực và cả nước”.

Huyện Tam Đảo nằm ở phía đông bắc tỉnh Vĩnh Phúc cách trung tâm tỉnh lỵ 10km , được thành lập đầu năm 2004, trên cơ sở chia tách từ các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và thị xã Vĩnh Yên cũ (nay là thành phố Vĩnh Yên). Nằm ở vị trí không xa thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, Tam Đảo là một điểm đến hấp dẫn với du khách nội địa và quốc tế. Tam Đảo có ưu thế lớn về du lịch do với nhiều danh lam thắng cảnh như: Vườn quốc gia Tam Đảo, quần thể di tích Tây Thiên, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương…. tạo nên một quần thể du lịch có khả năng thu hút du khách đến với vùng đất này.

Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở Tam Đảo là khu danh thắng Tây Thiên, một hệ thống di tích đồ sộ với diện tích khoảng 148ha. Khu danh thắng là một quần thể kiến trúc bao gồm đền thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu cùng vô số đền, chùa, miếu, trải dài khắp 10km trên dãy Tam Đảo hùng vĩ. Khu di tích và danh thắng Tây Thiên đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Ngoài ra, Tam Đảo còn là sở hữu 119 di tích lịch sử khác nằm rải rác khắp nơi trong địa bàn huyện.

Huyện Tam Đảo còn thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như rừng núi Tây Thiên, núi Trường Sinh, suối Giải Oan, hồ Xạ Hương… Trong đó Vườn Quốc gia Tam Đảo với sự đa dạng sinh học cao là nơi cư trú của nhiều loại cây, hoa quý hiếm, cùng hàng trăm loài động vật…

Khu du lịch Tam Đảo có khí hậu ôn hòa, Tam Đảo nằm trên độ cao hơn 1.000m, so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm vào khoảng 10 – 18 độ C, là một địa điểm hấp dẫn cho du lịch nghỉ dưỡng vào ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là vào mùa hè.

Những năm qua, huyện đã có những định hướng và giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch trên cơ sở phát triển bền vững. Với mục tiêu: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đồng thời bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các nguồn tài nguyên để tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch. Phát triển các điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các điểm du lịch chất lượng cao. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế du lịch của huyện, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.

Những tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến với Tam Đảo đạt hơn 1,3 triệu lượt, doanh thu ước tính đạt trên 20 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016; Riêng khu danh thắng Tây Thiên  đón trên 1,25 triệu lượt khách.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Định hướng phát triển du lịch của Tam Đảo trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành chức năng, cùng các nhà đầu tư để Tam Đảo trở thành điểm tham quan du lịch có khả năng thu hút lượng lớn khác du lịch trong và ngoài nước. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Tam Đảo có khả năng phục vụ 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế và đạt tổng doanh thu trên 680 tỷ đồng/năm.

Với sự tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trên địa bàn, huyện Tam Đảo đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy một cách hiệu quả và hợp lý tiềm năng lợi thế, tăng tốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 Tam Đảo cơ bản thành huyện du lịch trọng điểm.

Video: FlyCam Tam Đảo Vĩnh Phúc