Đặc Sản Quê Hương Hải Dương

Bánh Lòng Kinh Môn

Bánh Lòng là món bánh trứ danh được người dân ở thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn gìn giữ hơn 500 năm qua .

Theo lời các cụ cao niên thôn Huề Trì kể lại: “Ngày xưa trang ấp Huề Trì trù phú, nhộn nhịp, đất đai màu mỡ. Thời nhà Trần, bao quanh làng Huề Trì trồng mây nước, trồng tre, làm hầm chông, Dựng lũy  để đánh giặc Mông Cổ. Trong những tháng ngày giặc vây hãm, bà con dân làng mới nghĩ ra một loại lương khô được chế biến từ gừng, lạc, nếp, đường mật ,… sau đó cất kín trong chum, vại để ăn dần dần. Loại lương khô đó giúp dân làng ấm lòng, vững dạ cùng quân dân cả nước đánh trả bọn giặc khát máu trong thời gian dài. Ngày nay dân Huề Trì vẫn làm loại lương khô xưa, đặt tên là bánh lòng. ”

Bánh lòng thường được làm vào dịp Tết cổ truyền để dâng cúng tiên tổ. Nguyên liệu để làm bánh được lựa chọn kỹ lưỡng  như lạc, đường mật, mứt, vừng, nếp cái hoa vàng, gừng, thịt ba chỉ quay kỹ. Thóc nếp cái hoa vàng được phơi già nắng, hạt nếp mẩy, đều nhau rồi cho thóc vào chảo gang lớn rang, nhiệt độ chảo vừa phải, dùng chổi rơm đảo liên tục để thành bỏng nổ đều. Sau đó đổ thóc ra nia, sẩy hết vỏ trấu giữ lại bỏng, cho bỏng vào cối đá giã thật mịn.

Đun chảo nóng cho nước đường vào chảo, đun đến khi đường cô đặc thành mật, lấy một giọt đường thả vào bát nước nguội, nếu giọt đường không tan ra là được. Đường càng cô đặc thì bánh càng chắc, khô, bánh trữ được lâu mà không bị hỏng. Vừng rang thơm, lạc rang bỏ vỏ lụa, giã nhuyễn gừng rồi lấy nước, thịt ba chỉ thái sợi nhỏ quay kỹ, mứt, hương liệu  rồi cho tất cả các nguyên liệu trên vào chảo đường cô đặc và đảo thật nhanh.

Khi hỗn hợp đảo xong thì đổ ra khuôn bánh để ép. Khuôn bánh được làm bằng gỗ, có hình chữ nhật, dài 22 cm, rộng 11 cm, dày 10 cm. Đổ hỗn hợp bánh vào khuôn, dùng thanh gỗ đặt lên, tiếp đó dùng búa gỗ đập lên cho đến khi bánh chắc là được. Sau đó tháo bánh ra khỏi khuôn, dùng dao cắt thành miếng nhỏ, dùng giấy bạc bọc lại, lấy giấy màu bọc thêm một lớp nữa. Bánh đạt yêu cầu là khi cắt ra bánh có màu trắng, xốp, dẻo, béo, ngọt, thơm mùi gừng.

Bánh Đa Gấc Kẻ Sặt

Bánh đa gấc là sự hòa quyện màu đỏ của gấc, mùi thơm từ gừng, béo của lạc, vừng, dừa; bánh đa được cuộn thành từng cuốn. Ở Hải Dương thì huyện nào cũng có bánh đa gấc nhưng ngon nhất, độc đáo nhất  là bánh đa gấc làng Kẻ Sặt thuộc xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang.

Nguyên liệu làm ra chiếc bánh đa gấc cần có: dừa, củ gừng, gạo, gấc chín, vừng, lạc, đường. Dừa phải chọn trái già, dày cùi; củ gừng không được già quá hay non quá; gạo CR203 tơi, xốp, đều hạt; gấc chín tươi; vừng là loại vừng tấm, hạt đều; lạc già, hạt to, mẩy; đường cát loại ngon.

Khi đã có đủ nguyên liệu vừa ý, ta ngâm gạo trong nước sạch khoảng 1-2 giờ. Vớt gạo để trong rổ cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay, xay bằng tay, vừa xay vừa đổ ít nước để hỗn hợp không bị đặc cũng không loãng. Vừng ngâm nước, chà xát bỏ vỏ; lạc tươi thái mỏng, rồi xảy bỏ vỏ lụa; cùi dừa thái mỏng sợi nhỏ; lấy ruột gấc để riêng ra; gừng tươi giã nhỏ lọc lấy nước.

Bánh đa Kẻ Sặt được tráng hai lần, lần 1 rắc vừng, dừa, lạc lên mặt bánh đa nóng, rồi múc 1 muôi bột đổ lên bánh, tráng bột đều ra,đậy vung nồi lại, chờ khoảng 2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa dài chừng 40 cm, đường kính 7- 8cm đặt lên mép bánh đa để bánh dính vào ống nứa, từ từ lăn tròn ống nứa, đưa ống nứa đặt vào tấm phên rồi lăn ngược lại cho bánh đa dính vào tấm phên, cứ làm tương tự như vậy đến khi nào thấy bánh đa kín chỗ tấm phên thì đem tấm phên ra ngoài nắng mà phơi. Khi bánh đa khô lại dùng dao nhỏ cạy bánh lên, dùng dây cột lại thành chồng, bánh có hình tròn người ta cắt đôi bánh thành hình bán nguyệt, khách đến mua người bán hơ bánh qua than hồng rồi cuộn bánh thành hình ống để tránh bánh bị vỡ khi vận chuyển đường dài. Thưởng thức bánh đa gấc Kẻ Sặt cảm nhận được vị thơm của lạc, vừng, dừa, vị cay của gừng sẽ là, người ăn hơi tê đầu lưỡi. Đến quê hương Hải Dương các bạn nhớ mua bánh đa gấc Kẻ Sặt để làm quà nhé.

Bánh Gai Ninh Giang

Thứ quà quê dân dã Bánh gai Ninh Giang, được người dân thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang làm ra đã theo chân nhiều chuyến xe, nhiều chuyến bay đi khắp miền tổ quốc.

Gạo nếp cái Hoa Vàng hạt đều, mẩy, trắng, dẻo, gạo nếp được xay thành bột mịn. Lá gai nếp chọn lá vừa phải, rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ, ninh xong đem rửa bằng nước sạch, trộn với muối, ủ khoảng 3 ngày. Sau khi ủ lá gai xong, cho lá vào cối, giã nát, lọc lấy lá, bỏ sơ lá rồi trộn lá gai đã giã nát với bột nếp để làm vỏ bánh.

Nhân bánh có mỡ lợn, đậu xanh, hạt sen: Lấy mỡ ở phần cổ của lợn, cắt nhỏ chiên giòn lên; đậu xanh bỏ vỏ ngâm với nước sạch cho nở rồi đem luộc và giã thật nhuyễn; hạt sen nấu chín, hạt sen chín xốp, không bị vỡ nát.

Nặn vỏ bánh đã chuẩn bị, vắt nhân bánh cho vào vỏ bánh, dùng tay vo bánh thành hình tròn. Nặn bánh xong cho bánh vào nồi hấp. Bánh chín lấy ra, để ráo nước. Bánh ngon là vỏ bánh dẻo, nhân bánh thơm, ngọt thanh,…

Món bánh quê nhà tuy không cao sang gì nhưng khi ăn chiếc bánh thì gợi lại ký ức về tuổi thơ bình yên bên cây đa, giếng nước sân đình luôn nhắc ta hướng về cội nguồn và trân trọng những gì mình đang có.

Video: Làm bánh gai Ninh Giang

Vẻ Đẹp Của Bãi biển Đồ Sơn – Hải Phòng

Đến với Hải Phòng bạn không thể bỏ qua cụm du lịch Kiến Thụy – Đồ Sơn. Với những nét riêng của một thành phố cảng đầy hấp dẫn, đặc biệt là bãi biển Đồ Sơn, chắc chắn sẽ làm du khách có những trải nghiệm thú vị cùng những ấn tượng sâu đậm khi đặt chân đến đây.

Là một trong những mảnh đất ghi dấu lịch sử hào hùng của đất nước, Đồ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy nên thơ của cả một vùng trời xanh biếc màu mây nước. Đồ Sơn là khu du lịch nổi tiếng với bãi tắm và những thắng cảnh có một không hai trong cả nước. Ở đây có rừng, biển, đảo, con đường tuyệt đẹp, các khách sạn tiện nghi, những nhà hàng với nhiều món ăn đặc sản của biển được chế biến bởi các tay đầu bếp tài hoa.
Đến với Đồ Sơn, du khách được đắm mình dưới làn nước trong xanh, nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp non nước, sơn thủy hữu tình, tìm hiểu về truyền thuyết bi thương của người con gái hồng nhan bạc mệnh được tưởng thờ tại đền Bà Đế hay tham dự các lễ hội đậm chất dân gian và cũng là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Tại Bến Nghiêng, ngày nay là bến tàu đưa khách đi tham quan du lịch Cát Bà, Hạ Long, Hòn Dáu…. ngày 13 – 5 -1955 đã chứng kiến sự kiện lịch sử: Những người lính Pháp cuối cùng xuống tàu rời khỏi miền Bắc Việt Nam, kết thúc một giai đoạn lịch sử Pháp thuộc. Bến tàu không số là nơi những con tàu không số xuất phát và vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tạo nên con đường mang tên vị lãnh tụ đáng kính yêu của dân tộc “đường Hồ Chí Minh trên biển”…
Trong chuyến du lịch Kiến Thụy – Đồ Sơn, hãy ghé thăm hòn Dáu, hòn “đảo thiêng” của vùng biển Hải Phòng. Viếng thăm và thắp một nén nhang, cầu nguyện cho mọi điều tốt lành thể hiện nét đẹp về tâm linh trong mỗi lần hành hương. Đền thờ Nam Hải Đại vương với câu chuyện kể về vị tướng linh thiêng, bảo vệ người đi biển luôn là điểm dừng chân không thể thiếu của cả những ngư dân trong vùng và khách thập phương khi ghé thăm nơi đây.

Cũng như các vùng biển khác, đến đây bạn không chỉ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được ăn các món hải sản tươi ngon. Hải sản tuy không quá to nhưng chắc và đậm thịt. Bạn sẽ được thưởng thức những món ăn luôn tươi ngon và là món quà thiết thực dành tặng người thân, bạn bè sau một chuyến đi đầy thú vị.
Chuyến du lịch Kiến Thụy – Đồ Sơn chắc hẳn sẽ cho du khách cái nhìn toàn vẹn hơn về thành phố Cảng xinh đẹp này và niềm tự hào đối với vẻ đẹp lung linh của biển gắn liền với quá khứ hào hùng của dân tộc.

Video: Biển Đồ Sơn Flycam