Nỗ Lực Tìm Phương Pháp Giải Quyết Việc Làm Cho Người Lao Động Ở Vĩnh Phúc

Thời gian qua, tỉnh ủy Vĩnh Phúc luôn đặt công tác giải quyết việc làm cho người lao động vào danh sách các vấn đề cần được ưu tiên. Với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ)… đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của người lao động; đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động nông thôn.

Hiệu quả từ Nghị quyết 37

Với nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi do có nhiều con đường giải quyết việc làm cho người lao động. Để tận dụng lợi thế này, chất lượng nguồn nhân lực cần phải được nâng cao. Chính vì vậy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ/HĐND, nghị quyết tập trung giải quyết các vấn đề trong công tác dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức, hướng nghiệp, phân luồng và giải quyết việc làm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, sau thời gian 4 năm, số lượng lao động tham gia học nghề đã tăng đáng kể, trình độ tay nghề cũng được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng đã mở hơn 1.000 lớp học bồi dưỡng kiến thức tại các xã, phường, thị trấn cho gần 150 nghìn lao động cùng với nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng về nông nghiệp, nhờ đó giải quyết việc làm cho trên 19 nghìn lao động với kinh phí 13,9 tỷ đồng. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cao đẳng nghề (400.000 đồng/người/tháng), trung cấp nghề (350.000đồng/người/tháng) đã thu hút được hơn 66 nghìn học viên tham gia… đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề của tỉnh lên vượt qua mức trung bình của cả nước.

Công tác hỗ trợ XKLĐ cũng nhận được nhiều quan tâm. Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết 37 đã tăng mức cho vay và hỗ trợ lãi suất cho vay XKLĐ, tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn tài chính cho người muốn XKLĐ. Song song với đó, công tác cho vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm cũng được thúc đẩy, tạo điều kiện cho các hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy nguồn vốn vay đã giúp cho nhiều hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, tạo việc làm mới và việc làm thêm cho lao động nông nhàn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH SUZUKAKU Việt Nam: Việc tỉnh triển khai các chính sách ưu đãi của đã hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng của Công ty. Không những thế, các chương trình hỗ trợ dạy nghề cũng giúp Công ty giảm được chi phí, thời gian để đào tạo lại tay nghề cho công nhân. Với nguồn nhân lực dồi dào cùng sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ hoạt động tốt hơn, đóng góp thiết thực cho ngân sách và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Năm 2011 khi tỉnh tiến hành triển khai các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ, gia đình anh Nguyễn Viết Xuân  (xã Hồng Phượng, huyện Yên Lạc)  đã quyết định vay vốn để sản xuất. Với số vốn vay được cùng với việc được hỗ trợ đến 70% lãi suất trong năm đầu, anh đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Hiện gia đình anh đã trả hết số tiền vay và thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Đổi mới từ chính sách

Ngoài những hiệu quả rõ ràng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 37 vẫn vấp phải một số hạn chế. Mức hỗ trợ cho đối tượng truyền nghề, học nghề thấp, không đủ chi phí bảo đảm việc dạy và học; chi phí hỗ trợ cho XKLĐ chưa cao… dẫn đến lượng người đi XKLĐ còn ít. Do đó, tháng 12 năm 2015, HĐND tỉnh đã thay thế  Nghị quyết 37 bằng Nghị quyết 207/2015/NQ – HĐND “Về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm”.

Bên cạnh việc ban hành và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm, tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để mở sàn giao dịch việc làm online thường xuyên tại các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm; xây dựng mạng lưới thu thập, phân tích và cung cấp thông tin thị trường lao động, nhất là thông tin về cầu lao động và dự báo về thị trường lao động. Đồng thời, đẩy mạnh sự liên kết giữa các trung tâm giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trên địa bàn và các cơ sở đào tạo nghề; duy trì Tổng đài tư vấn về chính sách lao động – việc làm, thông tin thị trường lao động.

 

Vĩnh Phúc Từ Tỉnh Thuần Nông Đến Tỉnh Có GRDP Hơn Nghìn Tỷ

Theo số liệu thống kê của sở kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 9-2016 có 7.129 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Đây quả là con số đáng khích lệ sau 20 năm chia tách tỉnh (Tách tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có qui mô lớn được thành lập giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho quá trình tăng trưởng không ngừng của địa phương.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chín tháng năm 2016, ước đạt 1,868 tỷ usd, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể khối doanh nghiệp FDI ước đạt 1,767 tỷ usd, doanh nghiệp tư nhân đạt 98,9 triệu usd, doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 2,4 triệu usd.

Thành quả trên cho thấy quyết sách kêu gọi đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, chính sách chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính,…Tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất, kinh doanh mà nhờ đó Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông đã trở thành tỉnh công nghiệp và tham gia vào nhóm những tỉnh có GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) hơn nghìn tỷ và là tỉnh điều tiết ngân sách về trung ương. Đây là tiền đề quan trọng mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã bỏ tâm huyết, trí tuệ để tỉnh nhà có bước chuyển mình ngoạn mục giúp tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh một cách ổn định, bền vững.

Giám đốc xuất nhập khẩu công ty tnhh Parton Vina, (tọa lạc tại khu công nghiệp Khai Quang,TP-Vĩnh Yên) Ngài Kim Woo Dong cho biết, năm 2008 công ty đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhà máy chúng tôi chuyên sản xuất linh kiện điện tử, cung cấp cho Sam Sung Việt Nam và xuất sang Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Brazil. Doanh nghiệp chúng tôi hiện có 3 nhà xưởng ở Vĩnh Phúc, 4 nhà xưởng ở Việt Nam, giải quyết việc làm cho 5.500 công nhân. “Partron vina đầu tư tại Vĩnh Phúc, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cơ quan ban ngành tỉnh, môi trường đầu tư thu lợi, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi khảo sát đã đầu tư ở đây. Thường ngày chúng tôi nhập nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm vào cuối buổi chiều nhưng cán bộ chi cục hải quan Vĩnh Phúc vẫn làm giúp thủ tục ngoài giờ để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. ”

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Ngài Chao Wen Hsiang, chia sẻ “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhiệt tình, năng động, cởi mở, cầu thị, doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn, vướng mắc gì các vị ấy đều lắng nghe và cùng tìm cách tháo gỡ, đây chính là điểm cộng để giữ chân nhà đầu tư.”

Tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất thép Việt Đức, phát biểu “ Sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của cơ quan chức năng địa phương là điểm thu hút chúng tôi, điều đó giúp công ty yên tâm đề ra chiến lược kinh doanh dài hạn tại Vĩnh Phúc. Chúng tôi hài lòng về môi trường đầu tư ở đây.” Công ty CP SX thép Việt Đức đầu tư nhà xưởng tại khu công nghiệp Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên) , mặt bằng công ty có diện tích hơn 18 ha, doanh thu hàng năm đạt khoảng 7.000 tỷ vnd, bình quân thu nhập nhân viên 7-8 triệu vnd, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Phó Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành nhận định, nhà đầu tư rất thận trong khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Do đó, cải cách phải sát thực tế, gần doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những nút thắc để Vĩnh Phúc mới thực sự là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư thành công tại Vĩnh Phúc họ sẽ làm cầu nối giới thiệu nhà đầu tư khác đến đây đầu tư, tạo động lực phát triển cho tỉnh, cho toàn vùng. Vì vậy môi trường đầu tư, qui trình quản lý nhà nước của các cơ quan ban ngành sẽ dần được hoàn thiện trong tương lai gần.

Vào tháng 10-2016 đến nay, lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sẽ gặp gỡ, trao đổi, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp vào chiều thứ sáu mỗi tuần để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Video: Thu hút đầu tư ở Vĩnh Phúc

https://www.youtube.com/watch?v=y8vuPIpfckk

Chùa Thiêng Tích Sơn –Vĩnh Phúc

Chùa Tích Sơn được xây dựng từ cuối đời Lý đầu đời Trần, đã có lịch sử hàng nghìn năm, chùa tọa lạc trên đỉnh đồi vốn là vùng đất thiêng thuộc phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên tự của chùa vốn là “Ngũ Phúc Tự” nghĩa là ngôi chùa mang đến Phúc lành cho 5 ngôi làng cổ ở Tích Sơn. Chùa đã được công nhận là di tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm 1992.

Chùa Tích Sơn cũ từng được trùng tu một lần vào đời Hậu Lê, đổi tên thành “Sơn Tuyền Tự” hiện tên vẫn còn khắc trên cây Hương Đá đặt trước chính điện. Đến đời nhà Nguyễn lại lấy tên cũ là “Ngũ Phúc Tự”.

Theo những ghi chép trong sử sách, năm 1890, thực dân Pháp đến chiếm đất chùa cũ để xây dựng dinh chánh sứ cai quản tỉnh Vĩnh Yên mới thành lập (nay là tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc). Chùa phải di dời về vị trí hiện tại vẫn thuộc thành phố Vĩnh Yên nhưng cách vị trí cũ hơn 1 Km.

Theo lời của các cụ cao tuổi, quan Chánh sứ người Pháp sau khi phá chùa Tích Sơn cũ xây dinh Chánh sứ mấy năm thì trở bệnh nặng, không lâu sau đó thì chết. Những quan Chánh sứ thực dân Pháp tiếp theo đến cai trị ở đây đều không sống được lâu, thường bị chết bất đắc kỳ tử. Người dân trong vùng khi đó tương truyền rằng, do quan Chánh sứ phá chùa thiêng xây dinh thự bị trời phật trừng phạt.

Về ngôi chùa thiêng sau khi di dời, được chuyển đến địa điểm mới nằm trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng có địa thế rất đẹp nằm ở khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu chùa được xây dựng quy mô rất lớn, các kiến trúc gồm có tam quan, gác chuông, 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”.

Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Tích Sơn đã từng được sử dụng cho nhiều mục đích như làm cơ sở bí mật, trường học, nhà trẻ mẫu giáo v.v. Đến nay trên đất chùa vẫn còn sót lại một số công trình như nhà trẻ, trường mẫu giáo hay hợp tác xã nông nghiệp.

Thượng tọa Thích Giác Minh cho biết: năm 2010 lãnh đạo tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà chùa, mở rộng diện tích chùa lên đến 9.000 m2 tương đương diện tích chùa cũ trước đây. Thời gian qua, được sự cho phép của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, chùa đã huy động được hơn 42 tỷ đồng dùng cho trùng tu, tôn tạo cảnh quan chùa. Hiện xung quanh khuôn viên chùa đều được xây tường rào kín đáo, giữa khoảng sân rộng trước chánh điện là nơi đặt cây Hương Đá (cổ vật có từ thời Hậu Lê). Nơi thờ phụng chính của chùa là chánh điện, phía trước có treo bức hoành phi “Ngũ Phúc Tự”.

Chùa Tích Sơn có quy mô khá đồ sồ với nhiều kiến trúc liên tiếp tạo nên một cảm giác bề thế mà vẫn giữ được sự nghiêm trang. Chánh điện có kiến trúc hình chữ đinh, với hệ thống trụ gỗ và gạch xây. Mái của chánh điện được nối liền bằng nhiều loại gỗ quý, tạo cảm giác vững chãi. Tại hệ thống thờ trong chánh điện vẫn còn lưu giữ được 16 bức tượng bằng gỗ và đồng được xếp thành nhiều tầng cao dần về phía trong, tượng trưng cho từng bước lên cõi Niết Bàn của Phật. Ngoài ra chùa còn lưu giữ được một một chuông đồng được đúc năm Minh Mạng thứ 12 cùng một khánh đồng cổ, đây là những cổ vật quý có nhiều giá trị lịch sử.

Ngoài ra, chùa Tích Sơn còn có đóng góp không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với vai trò cơ sở ngầm, nơi nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí. Có thể nói, Chùa Tích Sơn không chỉ đơn giản là 1 nhà thờ tôn giáo mà còn là một di tích lịch sử cách mạng ghi dấu một thời kỳ kháng chiến hào hùng của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện nay, chùa Tích Sơn đã được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép lập dự án quy hoạch tổng thể tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn cổ vật, đảm bảo nơi học tập của các tăng ni, phật tử và nơi người dân hành hương.

Video: Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Tại Chùa Tích Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=IGpM03ATV_Q

Vĩnh Phúc- Lực Lượng Lao Động Trẻ Dồi Dào Nhưng Còn Thiếu Kỹ Năng

Hiện nay ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động một cách thường xuyên để bắt kịp tiến độ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng được đủ số lượng lao động cần thiết. Lý do là dù lực lượng lao động trẻ rất đông đảo nhưng chưa đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của đa số doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 645 nghìn người. Bình quân mỗi năm số người đủ độ tuổi lao động vào  khoảng 14 nghìn người. Tính cả số người kết thúc nghĩa vụ quân sự, học sinh sinh viên mới tốt nghiệp, và số lao động thất nghiệp thì hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc cần giải quyết việc làm cho khoảng hơn 20 nghìn lao động.

Tại phiên giao dịch việc làm của tỉnh không thiếu sự tham gia của người lao động có tay nghề và lao động đạt trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Dù vậy, những hồ sơ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lại không đạt được số lượng như mong đợi dù rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đối với lao động trình độ cao.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, dù nắm trong tay tấm bằng đại học loại khá, giỏi, người lao lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết khác mà công việc của họ cần có. Ông Trần Huy Văn, đại diện nhà tuyển dụng công ty Cổ phần Hưng Hà chia sẻ: “Lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp, thường thiếu kinh nghiệm thực tế nên họ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu công việc, điều này gây tồn thất khá nhiều về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi phải cử nhân viên có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, chỉ bảo”.

Do đòi hỏi của công việc, Công ty cổ phần TTC có trụ sở tại Khu công nghiệp Phúc Yên, có nhu cầu cao đối với lao động có tay nghề. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ phòng nhân sự của công ty: “Hầu hết lao động được mới vào làm tại công ty đều phải trải qua quá trình đào tạo lại bằng hình thức vừa học, vừa làm. Bởi mặc dù người đã qua quá trình đào tạo ở các trường dạy nghề, đã đạt được trình độ từ cấp, trung cấp thậm chí cao đẳng, nhưng kiến thức lý thuyết, thậm chí thực hành trong giảng đường và trong công việc thực tế tại doanh nghiệp gần như không có điểm chung.”

Nhiều nhà tuyển dụng cũng chia sẻ thêm: Kể cả những lao động giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn vững chắc, cũng gặp nhiều khó khăn do không có kỹ năng ứng xử, hoặc rất kém về ngoại ngữ.

Thông thường, lao động trẻ khi mới vào doanh nghiệp đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp, sau khi chứng minh được năng lực, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp và thì mới có thể thăng tiến. Tuy nhiên, trên thực tế có một số sinh viên quá tự tin vào bằng cấp của mình mà không quan tâm đến điều này, họ sẵn sàng “nhảy việc” khi không được vào vị trí mong muốn.

Bên cạnh những hạn chế về mặt kiến thức, kinh nghiệm, một trong điều khiến các doanh nghiệp “e dè” khi tuyển dụng là lao động trẻ là tác phong, ý thức trong quá trình làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đối tượng lao động phổ thông thường hay gặp phải những vấn đề khá “buồn cười” như: Lao động tự ý nghỉ việc vì lý do “ bận việc nhà”, hoặc chuyển sang làm ở công ty khác cùng bạn bè “cho vui”; không tuân thủ các quy định về giờ giấc; an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ; tự ý di chuyển vị trí làm việc… Những sự việc trên xảy ra một phần là do ý thức của lao động phổ thông còn chưa cao, tư tưởng còn lạc hậu theo lối nhà nông, chưa có tác phong công nghiệp khi làm việc trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp.

Bên cạnh những điểm mạnh như sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình thì những lao động trẻ của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại những còn những khuyết điểm riêng do cả yếu tố khách quan và chủ quan mang lại. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, bản thân người lao động trẻ phải chủ động trong việc học tập, rèn luyện để đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Vĩnh Phúc: Họp Đánh Giá Tình Trạng Lao Động Và Tìm Giải Pháp

Mới đây, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình giải quyết việc làm cho người lao động trong 5 tháng đầu năm và đề xuất biện pháp tăng cường xuất khẩu lao động (XKLĐ) và giải quyết việc làm trong 7 tháng cuối năm 2017. Chủ trì cuộc họp là Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh.

Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn lao động, đạt 44,4% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 9.500 lao động, xuất khẩu có thời hạn 640 lao động đi nước ngoài. Tính đến tháng 5/2017, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh đã chi trả trên 3 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hơn 300 hồ sơ. Toàn tỉnh có trên 1000 gia đình và người lao động được vay vốn với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; 79 hộ vay vốn XKLĐ với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Theo đánh giá, dù công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động được triển khai tương đối đồng bộ nhưng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài còn khá ít, chỉ đạt khoảng 32% so với chỉ tiêu giao cho các đơn vị trong năm 2017, các huyện đạt tỷ lệ thấp nhất là: Bình Xuyên, Lập Thạch, Yên Lạc.

Trong 7 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh tăng cường thúc đẩy công tác tuyên truyền và triển khai Nghị quyết 207 và các quyết định khác đến người dân tạo điều kiện  giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, từ đó mau chóng tìm ra giải pháp hiệu quả; tiếp tục có giải pháp để người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của tỉnh; tăng cường tuyên truyền công tác phân luồng học sinh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về định hướng nghề nghiệp…

Cuối buổi họp, Đồng chí Vũ Việt Văn yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo các cấp tập trung rà soát đánh giá thực trạng nguồn lao động, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người lao động có việc làm. Sở LĐTB&XH phải thường xuyên có thông báo định kỳ, kịp thời tình hình nhu cầu lao động để có giải pháp tuyên truyền, định hướng cụ thể, sát thực; phối hợp Sở GD&ĐT, các huyện trong cách thức định hướng giáo dục nghề nghiệp tại các trường học; phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát các thủ tục cho vay XKLĐ. Sở LĐTBXH và các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp có dịch vụ XKLĐ giáo dục nâng cao ý thức người lao động, đảm bảo người lao động chấp hành quy chế, kỷ luật lao động, tôn trọng pháp luật ở các nước sở tại; các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các thành quả của người đã đi XKLĐ để tạo niềm tin, động lực cho người lao động, góp phần thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng chỉ tiêu đề ra.

 

Tam Đảo-Vĩnh Phúc, Điểm Đến Quyến Rũ Cho Du Lịch Nghỉ Dưỡng

Mục tiêu phát triển chung của ngành du lịch của Tam Đảo là “Phấn đấu đến năm 2020 du lịch, dịch vụ phát triển, tạo được những nét đặc trưng riêng, thích hợp với tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực và cả nước”.

Huyện Tam Đảo nằm ở phía đông bắc tỉnh Vĩnh Phúc cách trung tâm tỉnh lỵ 10km , được thành lập đầu năm 2004, trên cơ sở chia tách từ các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và thị xã Vĩnh Yên cũ (nay là thành phố Vĩnh Yên). Nằm ở vị trí không xa thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, Tam Đảo là một điểm đến hấp dẫn với du khách nội địa và quốc tế. Tam Đảo có ưu thế lớn về du lịch do với nhiều danh lam thắng cảnh như: Vườn quốc gia Tam Đảo, quần thể di tích Tây Thiên, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương…. tạo nên một quần thể du lịch có khả năng thu hút du khách đến với vùng đất này.

Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở Tam Đảo là khu danh thắng Tây Thiên, một hệ thống di tích đồ sộ với diện tích khoảng 148ha. Khu danh thắng là một quần thể kiến trúc bao gồm đền thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu cùng vô số đền, chùa, miếu, trải dài khắp 10km trên dãy Tam Đảo hùng vĩ. Khu di tích và danh thắng Tây Thiên đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Ngoài ra, Tam Đảo còn là sở hữu 119 di tích lịch sử khác nằm rải rác khắp nơi trong địa bàn huyện.

Huyện Tam Đảo còn thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như rừng núi Tây Thiên, núi Trường Sinh, suối Giải Oan, hồ Xạ Hương… Trong đó Vườn Quốc gia Tam Đảo với sự đa dạng sinh học cao là nơi cư trú của nhiều loại cây, hoa quý hiếm, cùng hàng trăm loài động vật…

Khu du lịch Tam Đảo có khí hậu ôn hòa, Tam Đảo nằm trên độ cao hơn 1.000m, so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm vào khoảng 10 – 18 độ C, là một địa điểm hấp dẫn cho du lịch nghỉ dưỡng vào ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là vào mùa hè.

Những năm qua, huyện đã có những định hướng và giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch trên cơ sở phát triển bền vững. Với mục tiêu: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đồng thời bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các nguồn tài nguyên để tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch. Phát triển các điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các điểm du lịch chất lượng cao. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế du lịch của huyện, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.

Những tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến với Tam Đảo đạt hơn 1,3 triệu lượt, doanh thu ước tính đạt trên 20 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016; Riêng khu danh thắng Tây Thiên  đón trên 1,25 triệu lượt khách.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Định hướng phát triển du lịch của Tam Đảo trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành chức năng, cùng các nhà đầu tư để Tam Đảo trở thành điểm tham quan du lịch có khả năng thu hút lượng lớn khác du lịch trong và ngoài nước. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Tam Đảo có khả năng phục vụ 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế và đạt tổng doanh thu trên 680 tỷ đồng/năm.

Với sự tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trên địa bàn, huyện Tam Đảo đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy một cách hiệu quả và hợp lý tiềm năng lợi thế, tăng tốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 Tam Đảo cơ bản thành huyện du lịch trọng điểm.

Video: FlyCam Tam Đảo Vĩnh Phúc