Đặc Sản Quê Hương Hải Dương

Bánh Lòng Kinh Môn

Bánh Lòng là món bánh trứ danh được người dân ở thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn gìn giữ hơn 500 năm qua .

Theo lời các cụ cao niên thôn Huề Trì kể lại: “Ngày xưa trang ấp Huề Trì trù phú, nhộn nhịp, đất đai màu mỡ. Thời nhà Trần, bao quanh làng Huề Trì trồng mây nước, trồng tre, làm hầm chông, Dựng lũy  để đánh giặc Mông Cổ. Trong những tháng ngày giặc vây hãm, bà con dân làng mới nghĩ ra một loại lương khô được chế biến từ gừng, lạc, nếp, đường mật ,… sau đó cất kín trong chum, vại để ăn dần dần. Loại lương khô đó giúp dân làng ấm lòng, vững dạ cùng quân dân cả nước đánh trả bọn giặc khát máu trong thời gian dài. Ngày nay dân Huề Trì vẫn làm loại lương khô xưa, đặt tên là bánh lòng. ”

Bánh lòng thường được làm vào dịp Tết cổ truyền để dâng cúng tiên tổ. Nguyên liệu để làm bánh được lựa chọn kỹ lưỡng  như lạc, đường mật, mứt, vừng, nếp cái hoa vàng, gừng, thịt ba chỉ quay kỹ. Thóc nếp cái hoa vàng được phơi già nắng, hạt nếp mẩy, đều nhau rồi cho thóc vào chảo gang lớn rang, nhiệt độ chảo vừa phải, dùng chổi rơm đảo liên tục để thành bỏng nổ đều. Sau đó đổ thóc ra nia, sẩy hết vỏ trấu giữ lại bỏng, cho bỏng vào cối đá giã thật mịn.

Đun chảo nóng cho nước đường vào chảo, đun đến khi đường cô đặc thành mật, lấy một giọt đường thả vào bát nước nguội, nếu giọt đường không tan ra là được. Đường càng cô đặc thì bánh càng chắc, khô, bánh trữ được lâu mà không bị hỏng. Vừng rang thơm, lạc rang bỏ vỏ lụa, giã nhuyễn gừng rồi lấy nước, thịt ba chỉ thái sợi nhỏ quay kỹ, mứt, hương liệu  rồi cho tất cả các nguyên liệu trên vào chảo đường cô đặc và đảo thật nhanh.

Khi hỗn hợp đảo xong thì đổ ra khuôn bánh để ép. Khuôn bánh được làm bằng gỗ, có hình chữ nhật, dài 22 cm, rộng 11 cm, dày 10 cm. Đổ hỗn hợp bánh vào khuôn, dùng thanh gỗ đặt lên, tiếp đó dùng búa gỗ đập lên cho đến khi bánh chắc là được. Sau đó tháo bánh ra khỏi khuôn, dùng dao cắt thành miếng nhỏ, dùng giấy bạc bọc lại, lấy giấy màu bọc thêm một lớp nữa. Bánh đạt yêu cầu là khi cắt ra bánh có màu trắng, xốp, dẻo, béo, ngọt, thơm mùi gừng.

Bánh Đa Gấc Kẻ Sặt

Bánh đa gấc là sự hòa quyện màu đỏ của gấc, mùi thơm từ gừng, béo của lạc, vừng, dừa; bánh đa được cuộn thành từng cuốn. Ở Hải Dương thì huyện nào cũng có bánh đa gấc nhưng ngon nhất, độc đáo nhất  là bánh đa gấc làng Kẻ Sặt thuộc xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang.

Nguyên liệu làm ra chiếc bánh đa gấc cần có: dừa, củ gừng, gạo, gấc chín, vừng, lạc, đường. Dừa phải chọn trái già, dày cùi; củ gừng không được già quá hay non quá; gạo CR203 tơi, xốp, đều hạt; gấc chín tươi; vừng là loại vừng tấm, hạt đều; lạc già, hạt to, mẩy; đường cát loại ngon.

Khi đã có đủ nguyên liệu vừa ý, ta ngâm gạo trong nước sạch khoảng 1-2 giờ. Vớt gạo để trong rổ cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay, xay bằng tay, vừa xay vừa đổ ít nước để hỗn hợp không bị đặc cũng không loãng. Vừng ngâm nước, chà xát bỏ vỏ; lạc tươi thái mỏng, rồi xảy bỏ vỏ lụa; cùi dừa thái mỏng sợi nhỏ; lấy ruột gấc để riêng ra; gừng tươi giã nhỏ lọc lấy nước.

Bánh đa Kẻ Sặt được tráng hai lần, lần 1 rắc vừng, dừa, lạc lên mặt bánh đa nóng, rồi múc 1 muôi bột đổ lên bánh, tráng bột đều ra,đậy vung nồi lại, chờ khoảng 2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa dài chừng 40 cm, đường kính 7- 8cm đặt lên mép bánh đa để bánh dính vào ống nứa, từ từ lăn tròn ống nứa, đưa ống nứa đặt vào tấm phên rồi lăn ngược lại cho bánh đa dính vào tấm phên, cứ làm tương tự như vậy đến khi nào thấy bánh đa kín chỗ tấm phên thì đem tấm phên ra ngoài nắng mà phơi. Khi bánh đa khô lại dùng dao nhỏ cạy bánh lên, dùng dây cột lại thành chồng, bánh có hình tròn người ta cắt đôi bánh thành hình bán nguyệt, khách đến mua người bán hơ bánh qua than hồng rồi cuộn bánh thành hình ống để tránh bánh bị vỡ khi vận chuyển đường dài. Thưởng thức bánh đa gấc Kẻ Sặt cảm nhận được vị thơm của lạc, vừng, dừa, vị cay của gừng sẽ là, người ăn hơi tê đầu lưỡi. Đến quê hương Hải Dương các bạn nhớ mua bánh đa gấc Kẻ Sặt để làm quà nhé.

Bánh Gai Ninh Giang

Thứ quà quê dân dã Bánh gai Ninh Giang, được người dân thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang làm ra đã theo chân nhiều chuyến xe, nhiều chuyến bay đi khắp miền tổ quốc.

Gạo nếp cái Hoa Vàng hạt đều, mẩy, trắng, dẻo, gạo nếp được xay thành bột mịn. Lá gai nếp chọn lá vừa phải, rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ, ninh xong đem rửa bằng nước sạch, trộn với muối, ủ khoảng 3 ngày. Sau khi ủ lá gai xong, cho lá vào cối, giã nát, lọc lấy lá, bỏ sơ lá rồi trộn lá gai đã giã nát với bột nếp để làm vỏ bánh.

Nhân bánh có mỡ lợn, đậu xanh, hạt sen: Lấy mỡ ở phần cổ của lợn, cắt nhỏ chiên giòn lên; đậu xanh bỏ vỏ ngâm với nước sạch cho nở rồi đem luộc và giã thật nhuyễn; hạt sen nấu chín, hạt sen chín xốp, không bị vỡ nát.

Nặn vỏ bánh đã chuẩn bị, vắt nhân bánh cho vào vỏ bánh, dùng tay vo bánh thành hình tròn. Nặn bánh xong cho bánh vào nồi hấp. Bánh chín lấy ra, để ráo nước. Bánh ngon là vỏ bánh dẻo, nhân bánh thơm, ngọt thanh,…

Món bánh quê nhà tuy không cao sang gì nhưng khi ăn chiếc bánh thì gợi lại ký ức về tuổi thơ bình yên bên cây đa, giếng nước sân đình luôn nhắc ta hướng về cội nguồn và trân trọng những gì mình đang có.

Video: Làm bánh gai Ninh Giang

Vẻ Đẹp Của Bãi biển Đồ Sơn – Hải Phòng

Đến với Hải Phòng bạn không thể bỏ qua cụm du lịch Kiến Thụy – Đồ Sơn. Với những nét riêng của một thành phố cảng đầy hấp dẫn, đặc biệt là bãi biển Đồ Sơn, chắc chắn sẽ làm du khách có những trải nghiệm thú vị cùng những ấn tượng sâu đậm khi đặt chân đến đây.

Là một trong những mảnh đất ghi dấu lịch sử hào hùng của đất nước, Đồ Sơn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy nên thơ của cả một vùng trời xanh biếc màu mây nước. Đồ Sơn là khu du lịch nổi tiếng với bãi tắm và những thắng cảnh có một không hai trong cả nước. Ở đây có rừng, biển, đảo, con đường tuyệt đẹp, các khách sạn tiện nghi, những nhà hàng với nhiều món ăn đặc sản của biển được chế biến bởi các tay đầu bếp tài hoa.
Đến với Đồ Sơn, du khách được đắm mình dưới làn nước trong xanh, nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp non nước, sơn thủy hữu tình, tìm hiểu về truyền thuyết bi thương của người con gái hồng nhan bạc mệnh được tưởng thờ tại đền Bà Đế hay tham dự các lễ hội đậm chất dân gian và cũng là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Tại Bến Nghiêng, ngày nay là bến tàu đưa khách đi tham quan du lịch Cát Bà, Hạ Long, Hòn Dáu…. ngày 13 – 5 -1955 đã chứng kiến sự kiện lịch sử: Những người lính Pháp cuối cùng xuống tàu rời khỏi miền Bắc Việt Nam, kết thúc một giai đoạn lịch sử Pháp thuộc. Bến tàu không số là nơi những con tàu không số xuất phát và vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tạo nên con đường mang tên vị lãnh tụ đáng kính yêu của dân tộc “đường Hồ Chí Minh trên biển”…
Trong chuyến du lịch Kiến Thụy – Đồ Sơn, hãy ghé thăm hòn Dáu, hòn “đảo thiêng” của vùng biển Hải Phòng. Viếng thăm và thắp một nén nhang, cầu nguyện cho mọi điều tốt lành thể hiện nét đẹp về tâm linh trong mỗi lần hành hương. Đền thờ Nam Hải Đại vương với câu chuyện kể về vị tướng linh thiêng, bảo vệ người đi biển luôn là điểm dừng chân không thể thiếu của cả những ngư dân trong vùng và khách thập phương khi ghé thăm nơi đây.

Cũng như các vùng biển khác, đến đây bạn không chỉ khám phá vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được ăn các món hải sản tươi ngon. Hải sản tuy không quá to nhưng chắc và đậm thịt. Bạn sẽ được thưởng thức những món ăn luôn tươi ngon và là món quà thiết thực dành tặng người thân, bạn bè sau một chuyến đi đầy thú vị.
Chuyến du lịch Kiến Thụy – Đồ Sơn chắc hẳn sẽ cho du khách cái nhìn toàn vẹn hơn về thành phố Cảng xinh đẹp này và niềm tự hào đối với vẻ đẹp lung linh của biển gắn liền với quá khứ hào hùng của dân tộc.

Video: Biển Đồ Sơn Flycam

Vĩnh Phúc Từ Tỉnh Thuần Nông Đến Tỉnh Có GRDP Hơn Nghìn Tỷ

Theo số liệu thống kê của sở kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến tháng 9-2016 có 7.129 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Đây quả là con số đáng khích lệ sau 20 năm chia tách tỉnh (Tách tỉnh Vĩnh Phú thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có qui mô lớn được thành lập giúp tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho quá trình tăng trưởng không ngừng của địa phương.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chín tháng năm 2016, ước đạt 1,868 tỷ usd, tăng 9,53% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể khối doanh nghiệp FDI ước đạt 1,767 tỷ usd, doanh nghiệp tư nhân đạt 98,9 triệu usd, doanh nghiệp nhà nước đạt khoảng 2,4 triệu usd.

Thành quả trên cho thấy quyết sách kêu gọi đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, chính sách chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính,…Tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất, kinh doanh mà nhờ đó Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông đã trở thành tỉnh công nghiệp và tham gia vào nhóm những tỉnh có GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) hơn nghìn tỷ và là tỉnh điều tiết ngân sách về trung ương. Đây là tiền đề quan trọng mà nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã bỏ tâm huyết, trí tuệ để tỉnh nhà có bước chuyển mình ngoạn mục giúp tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh một cách ổn định, bền vững.

Giám đốc xuất nhập khẩu công ty tnhh Parton Vina, (tọa lạc tại khu công nghiệp Khai Quang,TP-Vĩnh Yên) Ngài Kim Woo Dong cho biết, năm 2008 công ty đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhà máy chúng tôi chuyên sản xuất linh kiện điện tử, cung cấp cho Sam Sung Việt Nam và xuất sang Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Brazil. Doanh nghiệp chúng tôi hiện có 3 nhà xưởng ở Vĩnh Phúc, 4 nhà xưởng ở Việt Nam, giải quyết việc làm cho 5.500 công nhân. “Partron vina đầu tư tại Vĩnh Phúc, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cơ quan ban ngành tỉnh, môi trường đầu tư thu lợi, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sau khi khảo sát đã đầu tư ở đây. Thường ngày chúng tôi nhập nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm vào cuối buổi chiều nhưng cán bộ chi cục hải quan Vĩnh Phúc vẫn làm giúp thủ tục ngoài giờ để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. ”

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Ngài Chao Wen Hsiang, chia sẻ “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhiệt tình, năng động, cởi mở, cầu thị, doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn, vướng mắc gì các vị ấy đều lắng nghe và cùng tìm cách tháo gỡ, đây chính là điểm cộng để giữ chân nhà đầu tư.”

Tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất thép Việt Đức, phát biểu “ Sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của cơ quan chức năng địa phương là điểm thu hút chúng tôi, điều đó giúp công ty yên tâm đề ra chiến lược kinh doanh dài hạn tại Vĩnh Phúc. Chúng tôi hài lòng về môi trường đầu tư ở đây.” Công ty CP SX thép Việt Đức đầu tư nhà xưởng tại khu công nghiệp Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên) , mặt bằng công ty có diện tích hơn 18 ha, doanh thu hàng năm đạt khoảng 7.000 tỷ vnd, bình quân thu nhập nhân viên 7-8 triệu vnd, tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Phó Chủ tịch tỉnh Lê Duy Thành nhận định, nhà đầu tư rất thận trong khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Do đó, cải cách phải sát thực tế, gần doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ những nút thắc để Vĩnh Phúc mới thực sự là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư thành công tại Vĩnh Phúc họ sẽ làm cầu nối giới thiệu nhà đầu tư khác đến đây đầu tư, tạo động lực phát triển cho tỉnh, cho toàn vùng. Vì vậy môi trường đầu tư, qui trình quản lý nhà nước của các cơ quan ban ngành sẽ dần được hoàn thiện trong tương lai gần.

Vào tháng 10-2016 đến nay, lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sẽ gặp gỡ, trao đổi, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp vào chiều thứ sáu mỗi tuần để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Video: Thu hút đầu tư ở Vĩnh Phúc

https://www.youtube.com/watch?v=y8vuPIpfckk

Những Địa Điểm Du Lịch Ở Hải Phòng

Nhà hát thành phố Hải Phòng

Nhà hát TP-Hải Phòng (Nhà hát lớn Hải Phòng), được chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ năm 1904 đến năm 1912 thì hoàn thành. Nhà hát được xây  trên nền khu chợ cũ làng cổ An Biên. Khu vực nhà hát TP-Hải Phòng được xem là khu vực trung tâm thành phố, nơi giao điểm giữa khu dân cư người Việt, người Âu, người Hoa được chính quyền đô hộ Pháp qui hoạch thời bấy giờ.

Nhà hát mô phỏng nguyên mẫu nhà hát Paris, nhà hát có kiến trúc cổ điển thời trung cổ. Tất cả nguyên vật liệu thi công đều được vận chuyển từ Pháp sang, do thợ xây Việt ta thực hiện dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Pháp.

Nhà hát thành phố Hải Phòng có hai tầng, phía trước nhà hát là quảng trường rộng, có bồn hoa, có đài phun nước; đi vào bên trong  là tiền sảnh, khán phòng 400 chỗ ngồi, phòng gửi đồ, phòng phục trang, căn tin, hành lang. Trần khán phòng hình vòm, được sơn màu vàng. Phía trên sân khấu có đặt tượng thần âm nhạc, vị thần bảo hộ cho nghệ sĩ,…

Vào thời kỳ Pháp thuộc, nhà hát là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp chính trị của chính quyền thực dân và giới người giàu bản xứ. Những gánh hát nổi tiếng ba miền hay các gánh hát từ Pháp mới được biểu diễn ở đây. Ngày hôm nay, nhà hát lớn Hải Phòng là nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật những dịp lễ lớn, sự kiện quan trọng, khu vực quảng trường nhà hát là nơi đón giao thừa-xem bắn pháo hoa của người dân Phố Cảng.

Trải qua nhiều lần trùng tu qui mô, cho đến nay nhà hát lớn Hải Phòng vẫn giữ được lối thiết kế nguyên bản của một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm chất châu Âu.

Vịnh Lan Hạ

Vịnh Lan Hạ có khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ giữa trùng khơi. Một vài đảo nhỏ có bãi cát vàng mịn, rừng cây hoang sơ, động thực vật đa dạng. Trong vịnh có ngôi làng nổi Cái Bèo, làng có 200 hộ dân cư ngụ trên những ngôi nhà phao, dân làng  sống bằng nghề chài lưới, nuôi hải sản trong lồng bè,…Nhiều công trình của các nhà khảo cổ cho rằng làng nổi cái Bèo đã có tuổi đời trên nghìn năm.

Vịnh Lan Hạ sở hữu 139 bãi cát vàng thơ mộng, hoang sơ, dòng nước biển xanh ngắt. Nhiều bãi cát trải dài giữa những dãi núi đá vôi nhấp nhô, đủ hình thù kỳ lạ. Nằm phơi mình trên bãi cát ngắm bình minh hay buổi chiều chiêm ngưỡng hình ảnh mặt trời chìm dần xuống đáy biển lúc hoàng hôn buông xuống quả là những khoảnh khắc tuyệt đẹp.

Chèo thuyền kayak đi xuyên qua lòng núi đá vôi, chèo thuyền tham quan, lặn ngắm san hô đảo Cù, đảo Sến. Đến đảo Khỉ bạn sẽ bắt gặp cả đàn khỉ vàng vui nhộn, nghịch ngợm, rất dễ thương.

Núi Voi

Quần thể Núi Voi là sự kết hợp giữa núi đá, núi đất xen kẽ lẫn nhau tạo nên hình ảnh kỳ vĩ, trùng điệp mạn Đông Bắc nước Việt. Núi Voi tọa lạc trên địa bàn ba xã An Tiến, An Thắng và Trường Thành, thuộc huyện An Lão. Núi voi có những hang động đẹp lạ lùng như hang Cá Chép, Nam Tào, hang Chiêng. Trong hang núi có nhiều nhũ đá, măng đá hình đầu voi, hình bàn cờ, hình hổ, hình rồng,…

Khu di tích núi Voi không chỉ kỳ vĩ, đẹp mắt bởi những hình thù kì lạ trong hang động được tạo nên bởi bàn tay của thiên nhiên mà còn ẩn chứa di tích khảo cổ học rất có giá trị lịch sử về thời kỳ tiền sử của người Việt Cổ. Tại núi Voi, vào thời Pháp thuộc, nhiều nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy di vật rìu đá, đĩa đá, bàn mài đá, dao găm đá,… hay hiện vật bằng đồng như mũi tên đồng, chén đồng, ly đồng, giáo đồng,…

Quần thể di tích còn có đền thờ Cao Sơn Đại Vương, là vị tướng thân cận của Hùng Duệ Vương (vua hùng thứ 18).

Núi Voi có địa thế hiểm yếu, nhiều hang động lớn, núi non hiểm trở, được hai con sông Đa Độ và Lạch Tray bao bọc, thuận lợi cho giao thông thủy bộ. Vì vậy núi Voi từng được nư tướng Lê Chân chọn xây dựng làm căn cứ địa chiêu binh, huấn luyện nghĩa binh, tích trữ lương thực khí giới để cùng Hai Bà Trưng kháng giặc Đông Hán. Núi Voi cũng từng được nhà Mạc xây dựng thành lũy, đào hào, luyện tập binh mã để đánh nhà Lê Sơ. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Núi Voi một lần nữa lại được quân dân miền Bắc xây dựng thành hệ thống hang, hầm ngầm để chữa trị thương binh, làm hầm tránh bom, bố trí trận địa phòng không bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa với những địa danh như hang Chạn, hang Hải quân, hang Già Vị hang Thành ủy. Gợi lại cho ta những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược bi thương mà hào hùng.

Video: Vịnh Lan Hạ FlyCam

Cùng Khám Phá Những Địa Danh Nổi Tiếng Ở Hà Nội

* Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội

Khu Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Đại Việt-Chămpa-Trung Hoa tạo nên công trình văn hóa, tâm linh, quân sự của kinh đô Đại Việt từ thế kỷ 11-18. Khu Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội bao gồm khu thành cổ Hà Nội và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu di tích có diện tích vùng ven khoảng 108 ha, diện tích khu trung tâm hơn 18 ha. Vào năm 2010, trong phiên họp lần thứ 34, tổ chức Unesco đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.
Khu di tích thành cổ Hà Nội: rộng hơn 13 ha, khu vực trung tâm di tích còn lại năm điểm di tích tiêu biểu là Đoan Môn, Kỳ Đài, nền Cung Điện Kính Thiện, Bắc Môn, Hậu Lâu.
– Đoan Môn: Là cổng phía Nam, có ba vòm cửa, cửa chính giữa chỉ dành riêng cho vua, Đoan Môn là lối đi dẫn đến cung điện Kính Thiên. Từ triều đại nhà Lý đã cho xây dựng cổng, nhưng di tích Đoan Môn hiện nay là do nhà Hậu Lê xây dựng và được nhà Nguyễn tu sửa ở thế kỷ 19.
– Kỳ đài: Được vua nhà Nguyễn xây dựng năm 1805, Kỳ Đài có 3 tầng: Tầng một cao 3,1m, tầng hai cao 3,7 m, tầng cao 5,1 m; trong thân Kỳ Đài có 54 bậc tam cấp xoáy hình trôn ốc dẫn tới đỉnh.
– Nền điện Kính Thiên: Được xây dựng năm 1428, dưới triều Hậu Lê trên nền điện Càn Nguyên nhà Lý, Trần. Ngày xưa điện Kính Thiên đã bị thực dân Pháp phá hủy; hiện nay chỉ còn lại nền điện, bậc tam cấp và rồng đá chạm trổ tinh xảo từ thế kỷ 15.
– Bắc môn: Được xây năm 1805, dưới triều vua Gia Long, Bắc Môn được làm bằng gạch, cổng vòm bằng đá.
– Hậu lâu: Còn có tên gọi khác là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công Chúa là hành cung nghỉ ngơi của phi tần, mỹ nữ, cung nữ vua Nguyễn khi Hoàng đế Ngự giá Bắc Tuần. Hậu Lâu đã bị phá hủy ở thế kỷ 19 và công trình hiện nay do thực dân Pháp xây dựng lại.
Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: Được phát hiện và khai quật năm 2002, chia làm 4 khu A, B, C, D. Tại địa điểm khai quật phát hiện vết tích nền móng trụ cột gỗ, đồ đồng, đồ sứ, giếng nước, di cốt động vật,… có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 19. Chứng tỏ khu di tích này trước kia từng là trung tâm chính trị quyền lực của các triều đại phong kiến nước ta.
Tại di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học Việt Nam, Nhật Bản đã phát hiện dấu tích cung điện, hiện vật tiêu biểu như: ngói ống có men xanh, chén sứ Ai Cập, tượng chim thần Garuda, …Phản ánh mối quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa giữa Đại Việt và các nước Trung Quốc, Tây Á, Chămpa, Nhật Bản,…

Địa chỉ: Quán Thánh, quận Ba Đình, TP-Hà Nội
Điện thoại: 090.448.1157
Website: Hoangthanhthanglong.vn

* Văn miếu – Quốc Tử Giám

Năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông truyền chỉ dụ dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Phu Tử, Nguyên Thánh và đưa Thái Tử đến Văn Miếu học.
Tháng 4-1253, Hoàng đế Trần Thái Tông ban chỉ mở rộng Quốc Tử Giám thu nhận con dân thường có học lực xuất sắc về học.
Đời vua Trần Minh Tông trị vì, vua vời Chu Văn An làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp, Chu Văn An kèm cặp dạy bảo Thái tử và các hoàng tử. Năm 1370 thầy Chu Văn An qui tiên, vua Trần Nghệ Tông cho thờ thầy ở Văn Miếu bên cạnh đức Khổng Tử.
Năm 1484, minh quân Lê Thánh Tông cho dựng 15 bia Tiến sĩ đầu tiên của những người đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến 1779.
Vua Gia Long nhà Nguyễn truyền bãi bỏ Quốc Tử Giám ở Hà Nội, đổi tên thành nhà Thái Học để thờ cha mẹ Khổng Phu Tử, xây thêm Khuê Văn Các ở trước Văn Miếu.
Năm 1999, TP-Hà Nội quyết định xây dựng lại nhà Thái Học có diện tích 1.530 m2 trên nền đất cũ của Quốc Tử Giám, trong khuôn viên Văn miếu – Quốc Tử Giám.

Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám:

Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tổng diện tích 54.331m2, phía trước cổng là bốn trụ cột lớn, hai bên tả hữu có hai bia đá “hạ mã”. Đi vào Nội tự được chia làm 5 khu vực gồm:
Khu 1 (Nhập đạo): Từ cửa Văn Miếu đến cửa Đại Trung, hai bên cửa Đại Trung có thêm hai cửa nhỏ ở hai bên là Đạt Tài môn và cửa Thành Đức môn.
Khu 2 (Thành đạo): Từ cửa Đại Trung đến Khuê Văn Các, hai bên Khuê Văn Các có hai cửa nhỏ là Súc Văn môn và Bí Văn môn
Khu 3: Có 82 bia tiến sĩ, khắc tên, nguyên quán của 1304 vị đậu Tiến sĩ với 82 khoa thi (1484-1780). Khu bia nằm đối diện hai bên Thiên Cung tỉnh là cửa Đại Thành; cửa Đại Thành có hai cửa nhỏ là Ngọc Chấn môn và Kim Thanh môn.
Khu 4 (Đại Thành Điện): Ở hai bên sân Đại Bái có dãy nhà Tả vu và Hữu vu nơi thờ tự bài vị 72 người học trò tài giỏi của Khổng Phu Tử và nhà giáo dục lỗi lạc Chu Văn An,…Những công trình kiến trúc trong Văn Miếu được đẽo, gọt bằng gỗ lim, ngói mũi hài, gạch nung được bàn tay tài hoa người thợ nước Việt xây dựng để tôn vinh nền nho học nước ta.
Khu 5: Khu Thái học là nơi thờ cúng song thân đức Khổng Tử, vốn trước kia Thái Học là trường Quốc Tử Giám thời Lý-Trần-Lê sau đó vua nhà Nguyễn dời Quốc Tử Giám vào kinh đô Phú Xuân.

Địa chỉ: 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP-Hà Nội
Điện thoại: 0437472566
Website: Vanmieu.gov.vn

* Chùa Một Cột

Tên thường gọi Chùa Một Cột, nhưng tên gọi chính xác là Liên Hoa Đài nằm trong khuôn viên chùa Diên Hựu.
Hoàng đế Lý Thái Tông chiêm bao thấy Quan Âm Bồ Tát ngự trên đài sen, Ngài đưa tay dắt vua lên đài sen. Sau khi tỉnh giấc mộng vua cho truyền quần thần, thuật lại câu chuyện, nhà sư Thiền Tuệ đã tâu với vua nên dựng cột đá giữa hồ làm đài sen của Quan Thế Âm như trong giấc mơ và đặt tên là Liên Hoa Đài .
Chùa Một Cột trải qua nhiều lần trùng tu trong các triều đại, Chùa Một Cột hiện nay được chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xây dựng lại năm 1955 sau khi bị thực dân cài thuốc nổ đánh sập năm 1954. Chùa được thiết kế bằng gỗ, lợp mái ngói, chùa được dựng trên một chân trụ đá; trụ đá cao 4m (chỉ tính phần nổi, chưa tính phần chìm trong nước), đường kính 1,2m.

Địa chỉ: Đội Cấn, quận Ba Đình, TP-Hà Nội
Điện thoại: 096.808.6529

Video: Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội

Khám Phá Di Tích Phố Hiến –Hưng Yên

Từng là thương cảng phồn thịnh nhất Đàng Ngoài thế kỷ 16-17, Phố Hiến (TP-Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là nơi giao hòa của nhiều nền văn hóa như Việt Nam, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Hà Lan,..Năm 2014 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, bao gồm 17 di tích tiêu biểu hợp thành: Đền Hoa Dương Linh Từ (đền Mẫu), đình- chùa Hiến, đền Nam Hòa, đền Thiên Hậu, đền Mây, đình An Vũ, đền Quan Thánh Đế Quân (Võ Miếu), đền Cửu Thiên Nương Nương (Cửu Thiên Huyền Nữ), Văn miếu Hưng Yên (Văn Miếu Xích Đằng), chùa Chuông (Kim Chung Tự), đền Ủng, Đông Đô Quảng Hội, chùa Phố, Đền Trần Hưng Đạo, đền Kim Đằng, chùa Nễ Châu, đền Bà Chúa Kho.

Tọa lạc bên hồ Bán Nguyệt, đền Mẫu là công trình tâm linh mang đậm kiến trúc Trung Hoa, đền thờ bà Dương Quý Phi (nhà Tống-Trung Hoa) là người đã tuẫn tiết giữ lòng trung với vua khi bị quân Mông Cổ truy sát. Nhiều dòng họ người Hoa di cư sang Đại Việt khi triều Minh sụp đổ xây dựng đền Mẫu để thờ phụng, cầu bình an. Che chắn cho ngôi đền là ba cây cổ thụ Sanh, Đa, Si có tuổi đời hơn 800 năm càng làm cho không gian đền Mẫu thêm linh thiêng, huyền ảo.

Đền Trần Hưng Đạo, là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, Ngài là nhà quân sự, nhà văn, nhà chính trị lỗi lạc của Đại Việt, Ngài có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông lần 1, 2, 3.

Văn miếu Hưng Yên, được xây dựng từ thời Hậu Lê, văn miếu là biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học, ước mơ khoa bảng của lớp nho sĩ, nơi hội tụ tinh hoa, trí tuệ, tinh thần tôn sư trọng đạo của người Hưng Yên. Hiện nay, Văn miếu còn giữ được 9 tấm bia đá khắc ghi 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa, bia đá điêu khắc hình long, lân chầu nguyệt rất tinh xảo.

Đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, ông là vị tướng anh dũng đã từng theo Ngô Vương đánh quân Nam Hán trên Bạch Đằng giang, sau đó ông đầu quân Đinh Bộ Lĩnh thống nhất loạn 12 sứ quân. Đền được xây từ thờ Đinh-Tiền Lê và được tu bổ lại vào thời nhà Nguyễn. Ngôi đền này còn chứa đựng nhiều câu chuyện truyền miệng linh thiêng, là minh chứng cho lòng tin của người dân về sức mạnh vị thần bảo hộ họ.

Chùa Chuông (Kim Chung Tự) được xây dựng ở thế kỷ 15, trải qua cuộc trùng tu qui mô lớn năm 1707, dễ dàng nhận thấy hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê hiện rõ như cổng tam quan, tiền đường, thiên hương, thiên điện, cây cầu đá bắt qua ao mắt rồng –trồng nhiều hoa súng, bên hành lang có dãy tượng 18 vị La Hán, tượng thập điện Diêm Vương, nhà thờ tổ có nhiều tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá, cuối hành lang có chuông đồng, khánh đá,…Bước vào ngôi cổ tự có cảm giác như thời gian lắng đọng, tâm hồn thư thái lạ kỳ.

Đền Bà Chúa Kho, thờ Bà Lê Bạch Nương, một người phụ nữ trung quân ái quốc, tiết tháo hơn người. Bà được triều đình Hậu Lê giao trông coi kho lương, ngân khố đồn Vĩnh Ty, bà chiến đấu cùng đội quân bảo vệ kho, quyết không để kho rơi vào tay giặc, bà hy sinh trong trận chiến không cân sức này. Đền thiết kế theo lối chữ nhị có ba gian tế, ba gian hậu cung. Ngôi đền còn giữ được hai đạo sắc phong niên hiệu Khải Định (vua triều Nguyễn), tượng đồng, lục bình sứ, tượng gỗ,…

Đền Cửu Thiên Nương Nương (Cửu Thiên Huyền Nữ), đền được người Hoa ở Phố Hiến xây dựng, đền là nơi thờ tự Đức Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, người thường ra tay giúp đỡ nhân dân lúc hoạn nạn, hiểm nguy nên được tôn làm thánh. Đền có kiến trúc chữ Công có ba gian tiền tế, một gian ống muống, 3 gian hậu cung. Đền vẫn được du khách thập phương, người dân địa phương nhang khói mỗi ngày, cầu mong sự che chở cứu giúp của Cửu Thiên Nương Nương.

Cụm di tích đình – chùa Hiến, là điểm đến tâm linh lý thú du khách khi đến Phố Hiến, trước sân ngôi cổ tự có hai bia đá dựng năm 1625 và bia còn lại dựng năm 1709, trên bia khắc quá trình cư ngụ, hình thành Phố Hiến xưa. Trong khuôn viên chùa có cây nhãn Tổ, tuổi đời hơn 300, đây là cây nhãn đường phèn, quả to, ngọt thanh, cùi dày, nhãn này ngày xưa chỉ để tiến vua.

Đến Phố Hiến khám phá mảnh đất đô hội một thời, nơi mang trong mình những câu chuyện kỳ thú từ quá khứ. Phố Hiến có không khí trong lành, người dân mến khách, giá cả phải chăng và cùng thưởng thức món ăn dân dã như chè long nhãn, bún thang lươn, chè hạt sen, bún riêu cua,… Là trải nghiệm không thể quên cho những ai từng một lần đặt chân đến nơi này.

Video: Giá trị lịch sử – văn hóa quần thể di tích Phố Hiến

Chùa Thiêng Tích Sơn –Vĩnh Phúc

Chùa Tích Sơn được xây dựng từ cuối đời Lý đầu đời Trần, đã có lịch sử hàng nghìn năm, chùa tọa lạc trên đỉnh đồi vốn là vùng đất thiêng thuộc phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên tự của chùa vốn là “Ngũ Phúc Tự” nghĩa là ngôi chùa mang đến Phúc lành cho 5 ngôi làng cổ ở Tích Sơn. Chùa đã được công nhận là di tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm 1992.

Chùa Tích Sơn cũ từng được trùng tu một lần vào đời Hậu Lê, đổi tên thành “Sơn Tuyền Tự” hiện tên vẫn còn khắc trên cây Hương Đá đặt trước chính điện. Đến đời nhà Nguyễn lại lấy tên cũ là “Ngũ Phúc Tự”.

Theo những ghi chép trong sử sách, năm 1890, thực dân Pháp đến chiếm đất chùa cũ để xây dựng dinh chánh sứ cai quản tỉnh Vĩnh Yên mới thành lập (nay là tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc). Chùa phải di dời về vị trí hiện tại vẫn thuộc thành phố Vĩnh Yên nhưng cách vị trí cũ hơn 1 Km.

Theo lời của các cụ cao tuổi, quan Chánh sứ người Pháp sau khi phá chùa Tích Sơn cũ xây dinh Chánh sứ mấy năm thì trở bệnh nặng, không lâu sau đó thì chết. Những quan Chánh sứ thực dân Pháp tiếp theo đến cai trị ở đây đều không sống được lâu, thường bị chết bất đắc kỳ tử. Người dân trong vùng khi đó tương truyền rằng, do quan Chánh sứ phá chùa thiêng xây dinh thự bị trời phật trừng phạt.

Về ngôi chùa thiêng sau khi di dời, được chuyển đến địa điểm mới nằm trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng có địa thế rất đẹp nằm ở khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu chùa được xây dựng quy mô rất lớn, các kiến trúc gồm có tam quan, gác chuông, 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”.

Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Tích Sơn đã từng được sử dụng cho nhiều mục đích như làm cơ sở bí mật, trường học, nhà trẻ mẫu giáo v.v. Đến nay trên đất chùa vẫn còn sót lại một số công trình như nhà trẻ, trường mẫu giáo hay hợp tác xã nông nghiệp.

Thượng tọa Thích Giác Minh cho biết: năm 2010 lãnh đạo tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà chùa, mở rộng diện tích chùa lên đến 9.000 m2 tương đương diện tích chùa cũ trước đây. Thời gian qua, được sự cho phép của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, chùa đã huy động được hơn 42 tỷ đồng dùng cho trùng tu, tôn tạo cảnh quan chùa. Hiện xung quanh khuôn viên chùa đều được xây tường rào kín đáo, giữa khoảng sân rộng trước chánh điện là nơi đặt cây Hương Đá (cổ vật có từ thời Hậu Lê). Nơi thờ phụng chính của chùa là chánh điện, phía trước có treo bức hoành phi “Ngũ Phúc Tự”.

Chùa Tích Sơn có quy mô khá đồ sồ với nhiều kiến trúc liên tiếp tạo nên một cảm giác bề thế mà vẫn giữ được sự nghiêm trang. Chánh điện có kiến trúc hình chữ đinh, với hệ thống trụ gỗ và gạch xây. Mái của chánh điện được nối liền bằng nhiều loại gỗ quý, tạo cảm giác vững chãi. Tại hệ thống thờ trong chánh điện vẫn còn lưu giữ được 16 bức tượng bằng gỗ và đồng được xếp thành nhiều tầng cao dần về phía trong, tượng trưng cho từng bước lên cõi Niết Bàn của Phật. Ngoài ra chùa còn lưu giữ được một một chuông đồng được đúc năm Minh Mạng thứ 12 cùng một khánh đồng cổ, đây là những cổ vật quý có nhiều giá trị lịch sử.

Ngoài ra, chùa Tích Sơn còn có đóng góp không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với vai trò cơ sở ngầm, nơi nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí. Có thể nói, Chùa Tích Sơn không chỉ đơn giản là 1 nhà thờ tôn giáo mà còn là một di tích lịch sử cách mạng ghi dấu một thời kỳ kháng chiến hào hùng của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện nay, chùa Tích Sơn đã được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép lập dự án quy hoạch tổng thể tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn cổ vật, đảm bảo nơi học tập của các tăng ni, phật tử và nơi người dân hành hương.

Video: Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Tại Chùa Tích Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=IGpM03ATV_Q

Thủ Tướng Chỉ Đạo Bắc Ninh Phải Chú Trọng Phát Triển Công Nghệ Cao

Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu to lớn, trọng yếu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và quân đội trong hai thập kỷ qua.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh phối hợp với các địa phương khác trên cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước năm 2017.

Thủ tướng mong muốn Bắc Ninh phấn đấu trở thành một trong những thành phố giàu nhất của cả nước và dẫn đầu sự phát triển của Việt Nam về điện tử và công nghệ cao.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng Bắc Ninh sẽ phát triển nhanh chóng và bền vững và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bắc Ninh nên phấn đấu trở thành một thành phố có sự sáng tạo cao, Thủ tướng nói. Bên cạnh tăng trưởng nhanh và bền vững, Bắc Ninh cần giữ gìn những giá trị văn hoá độc đáo, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cùng với điện tử và công nghệ cao, Bắc Ninh nên tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ và các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với việc tăng cường sử dụng công nghệ trong quản lý Nhà nước, tỉnh cần tập trung bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá truyền thống và bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập và phát triển.

Ông cũng cho biết thêm rằng cần tăng cường xây dựng Đảng, quản lý chính quyền địa phương và thúc đẩy vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức xã hội.

Trước đây gọi là vùng Kinh Bắc, tỉnh được đặt tên là Bắc Ninh vào năm 1831 dưới triều Nguyễn. Sau đó nó được sát nhập với tỉnh Bắc Giang để hình thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khoá X đã phê duyệt việc thành lập lại Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1 tháng 1 năm 1997, Bắc Ninh chính thức hoạt động như một đơn vị hành chính mới.

Bắc Ninh có nhiều văn hoá và truyền thống cách mạng. Đây là nơi có nhiều người nổi tiếng cũng như các lễ hội, làng nghề truyền thống và nghệ thuật dân gian, đặc biệt là làn điệu dân ca “Quan Họ” được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hoá phi vật thể thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất lên Tổ chức Đảng, Chính phủ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh để ghi nhận những đóng góp của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đến thăm Dự án mở rộng Khu phức hợp Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong.

Video: Thủ tướng chính phủ thăm và làm việc tại Bắc Ninh

Vĩnh Phúc- Lực Lượng Lao Động Trẻ Dồi Dào Nhưng Còn Thiếu Kỹ Năng

Hiện nay ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động một cách thường xuyên để bắt kịp tiến độ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng được đủ số lượng lao động cần thiết. Lý do là dù lực lượng lao động trẻ rất đông đảo nhưng chưa đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của đa số doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 645 nghìn người. Bình quân mỗi năm số người đủ độ tuổi lao động vào  khoảng 14 nghìn người. Tính cả số người kết thúc nghĩa vụ quân sự, học sinh sinh viên mới tốt nghiệp, và số lao động thất nghiệp thì hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc cần giải quyết việc làm cho khoảng hơn 20 nghìn lao động.

Tại phiên giao dịch việc làm của tỉnh không thiếu sự tham gia của người lao động có tay nghề và lao động đạt trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Dù vậy, những hồ sơ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lại không đạt được số lượng như mong đợi dù rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đối với lao động trình độ cao.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, dù nắm trong tay tấm bằng đại học loại khá, giỏi, người lao lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết khác mà công việc của họ cần có. Ông Trần Huy Văn, đại diện nhà tuyển dụng công ty Cổ phần Hưng Hà chia sẻ: “Lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp, thường thiếu kinh nghiệm thực tế nên họ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu công việc, điều này gây tồn thất khá nhiều về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi phải cử nhân viên có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, chỉ bảo”.

Do đòi hỏi của công việc, Công ty cổ phần TTC có trụ sở tại Khu công nghiệp Phúc Yên, có nhu cầu cao đối với lao động có tay nghề. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ phòng nhân sự của công ty: “Hầu hết lao động được mới vào làm tại công ty đều phải trải qua quá trình đào tạo lại bằng hình thức vừa học, vừa làm. Bởi mặc dù người đã qua quá trình đào tạo ở các trường dạy nghề, đã đạt được trình độ từ cấp, trung cấp thậm chí cao đẳng, nhưng kiến thức lý thuyết, thậm chí thực hành trong giảng đường và trong công việc thực tế tại doanh nghiệp gần như không có điểm chung.”

Nhiều nhà tuyển dụng cũng chia sẻ thêm: Kể cả những lao động giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn vững chắc, cũng gặp nhiều khó khăn do không có kỹ năng ứng xử, hoặc rất kém về ngoại ngữ.

Thông thường, lao động trẻ khi mới vào doanh nghiệp đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp, sau khi chứng minh được năng lực, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp và thì mới có thể thăng tiến. Tuy nhiên, trên thực tế có một số sinh viên quá tự tin vào bằng cấp của mình mà không quan tâm đến điều này, họ sẵn sàng “nhảy việc” khi không được vào vị trí mong muốn.

Bên cạnh những hạn chế về mặt kiến thức, kinh nghiệm, một trong điều khiến các doanh nghiệp “e dè” khi tuyển dụng là lao động trẻ là tác phong, ý thức trong quá trình làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đối tượng lao động phổ thông thường hay gặp phải những vấn đề khá “buồn cười” như: Lao động tự ý nghỉ việc vì lý do “ bận việc nhà”, hoặc chuyển sang làm ở công ty khác cùng bạn bè “cho vui”; không tuân thủ các quy định về giờ giấc; an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ; tự ý di chuyển vị trí làm việc… Những sự việc trên xảy ra một phần là do ý thức của lao động phổ thông còn chưa cao, tư tưởng còn lạc hậu theo lối nhà nông, chưa có tác phong công nghiệp khi làm việc trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp.

Bên cạnh những điểm mạnh như sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình thì những lao động trẻ của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại những còn những khuyết điểm riêng do cả yếu tố khách quan và chủ quan mang lại. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, bản thân người lao động trẻ phải chủ động trong việc học tập, rèn luyện để đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Vĩnh Phúc: Họp Đánh Giá Tình Trạng Lao Động Và Tìm Giải Pháp

Mới đây, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình giải quyết việc làm cho người lao động trong 5 tháng đầu năm và đề xuất biện pháp tăng cường xuất khẩu lao động (XKLĐ) và giải quyết việc làm trong 7 tháng cuối năm 2017. Chủ trì cuộc họp là Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh.

Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn lao động, đạt 44,4% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 9.500 lao động, xuất khẩu có thời hạn 640 lao động đi nước ngoài. Tính đến tháng 5/2017, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh đã chi trả trên 3 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hơn 300 hồ sơ. Toàn tỉnh có trên 1000 gia đình và người lao động được vay vốn với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; 79 hộ vay vốn XKLĐ với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Theo đánh giá, dù công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động được triển khai tương đối đồng bộ nhưng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài còn khá ít, chỉ đạt khoảng 32% so với chỉ tiêu giao cho các đơn vị trong năm 2017, các huyện đạt tỷ lệ thấp nhất là: Bình Xuyên, Lập Thạch, Yên Lạc.

Trong 7 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh tăng cường thúc đẩy công tác tuyên truyền và triển khai Nghị quyết 207 và các quyết định khác đến người dân tạo điều kiện  giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, từ đó mau chóng tìm ra giải pháp hiệu quả; tiếp tục có giải pháp để người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của tỉnh; tăng cường tuyên truyền công tác phân luồng học sinh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về định hướng nghề nghiệp…

Cuối buổi họp, Đồng chí Vũ Việt Văn yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo các cấp tập trung rà soát đánh giá thực trạng nguồn lao động, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người lao động có việc làm. Sở LĐTB&XH phải thường xuyên có thông báo định kỳ, kịp thời tình hình nhu cầu lao động để có giải pháp tuyên truyền, định hướng cụ thể, sát thực; phối hợp Sở GD&ĐT, các huyện trong cách thức định hướng giáo dục nghề nghiệp tại các trường học; phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát các thủ tục cho vay XKLĐ. Sở LĐTBXH và các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp có dịch vụ XKLĐ giáo dục nâng cao ý thức người lao động, đảm bảo người lao động chấp hành quy chế, kỷ luật lao động, tôn trọng pháp luật ở các nước sở tại; các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các thành quả của người đã đi XKLĐ để tạo niềm tin, động lực cho người lao động, góp phần thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng chỉ tiêu đề ra.