Vĩnh Phúc- Lực Lượng Lao Động Trẻ Dồi Dào Nhưng Còn Thiếu Kỹ Năng

Hiện nay ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động một cách thường xuyên để bắt kịp tiến độ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng được đủ số lượng lao động cần thiết. Lý do là dù lực lượng lao động trẻ rất đông đảo nhưng chưa đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của đa số doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 645 nghìn người. Bình quân mỗi năm số người đủ độ tuổi lao động vào  khoảng 14 nghìn người. Tính cả số người kết thúc nghĩa vụ quân sự, học sinh sinh viên mới tốt nghiệp, và số lao động thất nghiệp thì hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc cần giải quyết việc làm cho khoảng hơn 20 nghìn lao động.

Tại phiên giao dịch việc làm của tỉnh không thiếu sự tham gia của người lao động có tay nghề và lao động đạt trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Dù vậy, những hồ sơ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lại không đạt được số lượng như mong đợi dù rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đối với lao động trình độ cao.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, dù nắm trong tay tấm bằng đại học loại khá, giỏi, người lao lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết khác mà công việc của họ cần có. Ông Trần Huy Văn, đại diện nhà tuyển dụng công ty Cổ phần Hưng Hà chia sẻ: “Lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp, thường thiếu kinh nghiệm thực tế nên họ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu công việc, điều này gây tồn thất khá nhiều về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi phải cử nhân viên có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, chỉ bảo”.

Do đòi hỏi của công việc, Công ty cổ phần TTC có trụ sở tại Khu công nghiệp Phúc Yên, có nhu cầu cao đối với lao động có tay nghề. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ phòng nhân sự của công ty: “Hầu hết lao động được mới vào làm tại công ty đều phải trải qua quá trình đào tạo lại bằng hình thức vừa học, vừa làm. Bởi mặc dù người đã qua quá trình đào tạo ở các trường dạy nghề, đã đạt được trình độ từ cấp, trung cấp thậm chí cao đẳng, nhưng kiến thức lý thuyết, thậm chí thực hành trong giảng đường và trong công việc thực tế tại doanh nghiệp gần như không có điểm chung.”

Nhiều nhà tuyển dụng cũng chia sẻ thêm: Kể cả những lao động giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn vững chắc, cũng gặp nhiều khó khăn do không có kỹ năng ứng xử, hoặc rất kém về ngoại ngữ.

Thông thường, lao động trẻ khi mới vào doanh nghiệp đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp, sau khi chứng minh được năng lực, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp và thì mới có thể thăng tiến. Tuy nhiên, trên thực tế có một số sinh viên quá tự tin vào bằng cấp của mình mà không quan tâm đến điều này, họ sẵn sàng “nhảy việc” khi không được vào vị trí mong muốn.

Bên cạnh những hạn chế về mặt kiến thức, kinh nghiệm, một trong điều khiến các doanh nghiệp “e dè” khi tuyển dụng là lao động trẻ là tác phong, ý thức trong quá trình làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đối tượng lao động phổ thông thường hay gặp phải những vấn đề khá “buồn cười” như: Lao động tự ý nghỉ việc vì lý do “ bận việc nhà”, hoặc chuyển sang làm ở công ty khác cùng bạn bè “cho vui”; không tuân thủ các quy định về giờ giấc; an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ; tự ý di chuyển vị trí làm việc… Những sự việc trên xảy ra một phần là do ý thức của lao động phổ thông còn chưa cao, tư tưởng còn lạc hậu theo lối nhà nông, chưa có tác phong công nghiệp khi làm việc trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp.

Bên cạnh những điểm mạnh như sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình thì những lao động trẻ của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại những còn những khuyết điểm riêng do cả yếu tố khách quan và chủ quan mang lại. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, bản thân người lao động trẻ phải chủ động trong việc học tập, rèn luyện để đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Vĩnh Phúc: Họp Đánh Giá Tình Trạng Lao Động Và Tìm Giải Pháp

Mới đây, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình giải quyết việc làm cho người lao động trong 5 tháng đầu năm và đề xuất biện pháp tăng cường xuất khẩu lao động (XKLĐ) và giải quyết việc làm trong 7 tháng cuối năm 2017. Chủ trì cuộc họp là Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh.

Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn lao động, đạt 44,4% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 9.500 lao động, xuất khẩu có thời hạn 640 lao động đi nước ngoài. Tính đến tháng 5/2017, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh đã chi trả trên 3 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hơn 300 hồ sơ. Toàn tỉnh có trên 1000 gia đình và người lao động được vay vốn với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; 79 hộ vay vốn XKLĐ với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Theo đánh giá, dù công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động được triển khai tương đối đồng bộ nhưng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài còn khá ít, chỉ đạt khoảng 32% so với chỉ tiêu giao cho các đơn vị trong năm 2017, các huyện đạt tỷ lệ thấp nhất là: Bình Xuyên, Lập Thạch, Yên Lạc.

Trong 7 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh tăng cường thúc đẩy công tác tuyên truyền và triển khai Nghị quyết 207 và các quyết định khác đến người dân tạo điều kiện  giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, từ đó mau chóng tìm ra giải pháp hiệu quả; tiếp tục có giải pháp để người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của tỉnh; tăng cường tuyên truyền công tác phân luồng học sinh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về định hướng nghề nghiệp…

Cuối buổi họp, Đồng chí Vũ Việt Văn yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo các cấp tập trung rà soát đánh giá thực trạng nguồn lao động, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người lao động có việc làm. Sở LĐTB&XH phải thường xuyên có thông báo định kỳ, kịp thời tình hình nhu cầu lao động để có giải pháp tuyên truyền, định hướng cụ thể, sát thực; phối hợp Sở GD&ĐT, các huyện trong cách thức định hướng giáo dục nghề nghiệp tại các trường học; phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát các thủ tục cho vay XKLĐ. Sở LĐTBXH và các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp có dịch vụ XKLĐ giáo dục nâng cao ý thức người lao động, đảm bảo người lao động chấp hành quy chế, kỷ luật lao động, tôn trọng pháp luật ở các nước sở tại; các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các thành quả của người đã đi XKLĐ để tạo niềm tin, động lực cho người lao động, góp phần thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng chỉ tiêu đề ra.