Chùa Thiêng Tích Sơn –Vĩnh Phúc

Chùa Tích Sơn được xây dựng từ cuối đời Lý đầu đời Trần, đã có lịch sử hàng nghìn năm, chùa tọa lạc trên đỉnh đồi vốn là vùng đất thiêng thuộc phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tên tự của chùa vốn là “Ngũ Phúc Tự” nghĩa là ngôi chùa mang đến Phúc lành cho 5 ngôi làng cổ ở Tích Sơn. Chùa đã được công nhận là di tích Lịch Sử Quốc Gia vào năm 1992.

Chùa Tích Sơn cũ từng được trùng tu một lần vào đời Hậu Lê, đổi tên thành “Sơn Tuyền Tự” hiện tên vẫn còn khắc trên cây Hương Đá đặt trước chính điện. Đến đời nhà Nguyễn lại lấy tên cũ là “Ngũ Phúc Tự”.

Theo những ghi chép trong sử sách, năm 1890, thực dân Pháp đến chiếm đất chùa cũ để xây dựng dinh chánh sứ cai quản tỉnh Vĩnh Yên mới thành lập (nay là tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Phúc). Chùa phải di dời về vị trí hiện tại vẫn thuộc thành phố Vĩnh Yên nhưng cách vị trí cũ hơn 1 Km.

Theo lời của các cụ cao tuổi, quan Chánh sứ người Pháp sau khi phá chùa Tích Sơn cũ xây dinh Chánh sứ mấy năm thì trở bệnh nặng, không lâu sau đó thì chết. Những quan Chánh sứ thực dân Pháp tiếp theo đến cai trị ở đây đều không sống được lâu, thường bị chết bất đắc kỳ tử. Người dân trong vùng khi đó tương truyền rằng, do quan Chánh sứ phá chùa thiêng xây dinh thự bị trời phật trừng phạt.

Về ngôi chùa thiêng sau khi di dời, được chuyển đến địa điểm mới nằm trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng có địa thế rất đẹp nằm ở khu trung tâm thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu chùa được xây dựng quy mô rất lớn, các kiến trúc gồm có tam quan, gác chuông, 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”.

Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Tích Sơn đã từng được sử dụng cho nhiều mục đích như làm cơ sở bí mật, trường học, nhà trẻ mẫu giáo v.v. Đến nay trên đất chùa vẫn còn sót lại một số công trình như nhà trẻ, trường mẫu giáo hay hợp tác xã nông nghiệp.

Thượng tọa Thích Giác Minh cho biết: năm 2010 lãnh đạo tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà chùa, mở rộng diện tích chùa lên đến 9.000 m2 tương đương diện tích chùa cũ trước đây. Thời gian qua, được sự cho phép của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, chùa đã huy động được hơn 42 tỷ đồng dùng cho trùng tu, tôn tạo cảnh quan chùa. Hiện xung quanh khuôn viên chùa đều được xây tường rào kín đáo, giữa khoảng sân rộng trước chánh điện là nơi đặt cây Hương Đá (cổ vật có từ thời Hậu Lê). Nơi thờ phụng chính của chùa là chánh điện, phía trước có treo bức hoành phi “Ngũ Phúc Tự”.

Chùa Tích Sơn có quy mô khá đồ sồ với nhiều kiến trúc liên tiếp tạo nên một cảm giác bề thế mà vẫn giữ được sự nghiêm trang. Chánh điện có kiến trúc hình chữ đinh, với hệ thống trụ gỗ và gạch xây. Mái của chánh điện được nối liền bằng nhiều loại gỗ quý, tạo cảm giác vững chãi. Tại hệ thống thờ trong chánh điện vẫn còn lưu giữ được 16 bức tượng bằng gỗ và đồng được xếp thành nhiều tầng cao dần về phía trong, tượng trưng cho từng bước lên cõi Niết Bàn của Phật. Ngoài ra chùa còn lưu giữ được một một chuông đồng được đúc năm Minh Mạng thứ 12 cùng một khánh đồng cổ, đây là những cổ vật quý có nhiều giá trị lịch sử.

Ngoài ra, chùa Tích Sơn còn có đóng góp không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm với vai trò cơ sở ngầm, nơi nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí. Có thể nói, Chùa Tích Sơn không chỉ đơn giản là 1 nhà thờ tôn giáo mà còn là một di tích lịch sử cách mạng ghi dấu một thời kỳ kháng chiến hào hùng của nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện nay, chùa Tích Sơn đã được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép lập dự án quy hoạch tổng thể tạo điều kiện trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn cổ vật, đảm bảo nơi học tập của các tăng ni, phật tử và nơi người dân hành hương.

Video: Lễ Chiêm Bái Tượng Phật Ngọc Tại Chùa Tích Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=IGpM03ATV_Q