Hải Dương Ứng Dụng Công Nghệ Thông Tin Để Phục Vụ Quản Lý Cơ Sở Hạ Tầng Giao Thông Vận Tải Trên Địa Bàn Tỉnh

Tỉnh Hải Dương có mạng lưới giao thông vận tải tương đối hoàn chỉnh, với gần13.000 km đường bộ, gần 400 km đường sông, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, công tác quản trị cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông chưa chặt chẽ, ở nhiều bộ phận việc lưu trữ vẫn được thực hiên thủ công một cách rời rạc đồng thời thiếu quan tâm đến việc cập nhật, do vậy đã gây nhiều khó khăn khi cần tra cứu dữ liệu phục vụ việc quản lý, quy hoạch, bảo dưỡng. Hiện tại, công tác quản trị cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông yêu cầu việc lưu trữ phải chính xác, dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên, thông tin phải công khai minh bạch để thuận tiện cho tra cứu, truy xuất thông tin, thu hút đầu tư, phục vụ quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất với UBND tỉnh Hải Dương xét duyệt nghiên cứu đề tài: ” Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Chủ nhiệm Đề tài là Thạc sĩ Lê Đình Long, giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, thực hiện trong năm 2016.

Ban chủ nhiệm đề tài đã cùng với các phòng ban có liên quan tiến hành thống kê, rà soát toàn bộ hồ sơ của Sở GTVT và các cơ quan quản lý; khảo sát thực địa tất cả các tuyến đường, xác định vị trí bằng GPS, tiến hành đo đạc, lấy thông số kỹ thuật của hạng mục công trình, xây dựng bản đồ kỹ thuật số của các cơ sở hạ tầng từ các vị trí đã được xác định. Bản đồ số sẽ bao gồm dữ liệu về các tuyến  đường bộ, đường sắt, vận tải xe buýt, đường thủy nội địa. Ngoài ra còn có số liệu về các dự án xây dựng công trình giao thông cơ bản, dự án sửa chữa định kỳ từ năm 2013 đến nay. Các dữ liệu này sau đó được biên tập xây dựng thành bản đồ nền giao thông tích hợp vào hệ thống phần mềm. Các dữ liệu trên được đưa vào phần mềm tích hợp với website của Sở Giao thông vận tải. Phần mềm được lập trình dưới dạng ứng dụng web, có tổng cộng 6 module: quản lý thông tin chung; cập nhật thông tin; quản lý dữ liệu chi tiết; tra cứu, tìm kiếm dữ liệu; quản trị người dùng; trích xuất báo cáo. Phần mềm có chức năng để người dùng tra cứu tình hình cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo tuyến, cập nhật tài liệu theo từng bước thực hiện, đồng thời cho phép người quản trị viên trích xuất báo cáo theo từng thời điểm.

Thông qua đường truyền của sở GTVT, ban quản lý dự án đã tiến hành cập nhật thông tin về toàn bộ các tuyến đường giao thông, vị trí sơ đồ các tuyến quốc lộ, các dự án xây dựng cơ bản và các công trình sửa chữa định kỳ từ năm 2005 đến 2015, đồng thời chỉ đạo các phòng ban có cập nhật ngay khi có thay đổi và bổ sung. Hệ thống phần mềm sẽ được đặt tại máy chủ dịch vụ của Sở GTVT, cho phép kết nối tới cơ sở dữ liệu tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông. Dự án đã được triển khai thành công và liên tục được cập nhật thông tin để đảm bảo tính chuẩn xác kịp thời của phần mềm.

Tại hội thảo nghiệm thu đề tài, phần mềm đã có ảnh hưởng tích cực đến công tác quản lý dữ liệu hạ tầng giao thông giúp thông tin thêm chính xác đồng bộ, việc cập nhật được đầy đủ, kịp thời, minh bạch về điều kiện sử dụng khai thác hạ tầng giao thông. Đề tài triển khai hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, khai thác dữ liệu phục vụ quản lý.

Thành Phố Bắc Ninh Giải Quyết Việc Làm Cho Người Lao Động

Nhờ sự quan tâm của chính quyền đối với người dân, những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại thành phố Bắc Ninh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bắc Ninh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội. Với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh, cộng với tiềm năng đất đai sinh lợi cao, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông thuận lợi nên thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, đầy triển vọng. Đây là những yếu tố quan trọng để thành phố vươn lên phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với lợi thế trên là những thách thức không nhỏ cho địa phương khi tốc độ đô thị hoá nhanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mở rộng quy mô, dẫn đến diện tích sản xuất sẽ thu hẹp, nông dân thiếu việc làm. Trong khi nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhiều năm qua, giải quyết việc làm cho người lao động ở Bắc Ninh đạt được những kết quả khả quan, trung bình mỗi năm giải quyết được từ 5000 đến 5.200 lao động. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động khoảng 103.000 người. Trong đó, có khoảng 80-82% có việc làm thường xuyên. Đây là một con số khá ấn tượng. Bắc Ninh ngày càng có nhiều doanh nghiệp, dự án được triển khai và đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho người lao động dáng kể. Hiện tại thành phố có hơn 1.247 doanh nghiệp với nhiều dự án lớn đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Thời gian tới, nhiều dự án thu hút và đi vào hoạt động như: Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Thống kê, dự án Samsung Display trên 1 tỷ USD ở Khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh… hứa hẹn sẽ giải quyết cho hàng ngàn lao động.

Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, thành phố tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề bằng nhiều nguồn kinh phí để người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Nhưng phần lớn lao động sau khi được đào tạo xong không tìm được cơ hội, không vận dụng được những kiến thức được đào tạo. Trước vấn đề này, các cơ sở dạy nghề của thành phố cần làm việc với các công ty lớn như: Samsung, Canon… để đặt vấn đề cung cấp lao động theo hình thức đào tạo lao động gắn với giải quyết việc làm.

Theo bà Trần Hồng Diễm, các cơ sở dạy nghề chủ động được nguồn ra sẽ tạo điều kiện cho thanh niên địa phương được đào tạo nghề sau khi ra trường được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Điểm quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố chính là phong trào xuất khẩu lao động. Hiện nay, lao động đi xuất khẩu nước ngoài của thành phố gần 700 người. Để vận động, tuyên truyền cũng như hướng dẫn cho người dân, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cung ứng lao động, tổ chức các hội nghị tư vấn. Vì vậy, nhiều lao động có thông tin đầy đủ và chính thống để đi đúng hướng, phù hợp với điều kiện cũng như năng lực, trình độ tay nghề của bản thân.

Trong những năm qua, thành phố còn chú trọng đẩy mạnh phát triển các làng nghề và phát triển thêm nghề mới để nâng cao giá trị sản xuất cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều làng nghề nổi tiếng và ngày càng phát triển như: Làng nghề bún bánh ở Khắc Niệm, sản xuất giấy ở Phong Khê, mộc mỹ nghệ ở Khúc Xuyên. Việc phát triển các làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động nông thôn.

Bắc Ninh tập trung giải quyết việc làm cho lao động bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đạt được những kết quả đáng khích lệ nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, khó khăn như trình độ, năng lực của người lao động chưa cao, tâm lý thụ động, chưa mạnh dạn vươn lên làm giàu, công tác đào tạo nghề còn hạn chế… là những thách thức không nhỏ cho địa phương. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi thành phố cần có giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nhất là lao động nông thôn; phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ, tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng địa phương, tăng cường thông tin, tuyên truyền giới thiệu việc làm và định hướng cho lao động để tìm được việc làm ổn định.

Tam Đảo-Vĩnh Phúc, Điểm Đến Quyến Rũ Cho Du Lịch Nghỉ Dưỡng

Mục tiêu phát triển chung của ngành du lịch của Tam Đảo là “Phấn đấu đến năm 2020 du lịch, dịch vụ phát triển, tạo được những nét đặc trưng riêng, thích hợp với tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực và cả nước”.

Huyện Tam Đảo nằm ở phía đông bắc tỉnh Vĩnh Phúc cách trung tâm tỉnh lỵ 10km , được thành lập đầu năm 2004, trên cơ sở chia tách từ các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và thị xã Vĩnh Yên cũ (nay là thành phố Vĩnh Yên). Nằm ở vị trí không xa thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, Tam Đảo là một điểm đến hấp dẫn với du khách nội địa và quốc tế. Tam Đảo có ưu thế lớn về du lịch do với nhiều danh lam thắng cảnh như: Vườn quốc gia Tam Đảo, quần thể di tích Tây Thiên, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương…. tạo nên một quần thể du lịch có khả năng thu hút du khách đến với vùng đất này.

Một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở Tam Đảo là khu danh thắng Tây Thiên, một hệ thống di tích đồ sộ với diện tích khoảng 148ha. Khu danh thắng là một quần thể kiến trúc bao gồm đền thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu cùng vô số đền, chùa, miếu, trải dài khắp 10km trên dãy Tam Đảo hùng vĩ. Khu di tích và danh thắng Tây Thiên đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Ngoài ra, Tam Đảo còn là sở hữu 119 di tích lịch sử khác nằm rải rác khắp nơi trong địa bàn huyện.

Huyện Tam Đảo còn thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như rừng núi Tây Thiên, núi Trường Sinh, suối Giải Oan, hồ Xạ Hương… Trong đó Vườn Quốc gia Tam Đảo với sự đa dạng sinh học cao là nơi cư trú của nhiều loại cây, hoa quý hiếm, cùng hàng trăm loài động vật…

Khu du lịch Tam Đảo có khí hậu ôn hòa, Tam Đảo nằm trên độ cao hơn 1.000m, so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm vào khoảng 10 – 18 độ C, là một địa điểm hấp dẫn cho du lịch nghỉ dưỡng vào ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là vào mùa hè.

Những năm qua, huyện đã có những định hướng và giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch trên cơ sở phát triển bền vững. Với mục tiêu: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đồng thời bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các nguồn tài nguyên để tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch. Phát triển các điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các điểm du lịch chất lượng cao. Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế du lịch của huyện, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.

Những tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến với Tam Đảo đạt hơn 1,3 triệu lượt, doanh thu ước tính đạt trên 20 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016; Riêng khu danh thắng Tây Thiên  đón trên 1,25 triệu lượt khách.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Định hướng phát triển du lịch của Tam Đảo trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành chức năng, cùng các nhà đầu tư để Tam Đảo trở thành điểm tham quan du lịch có khả năng thu hút lượng lớn khác du lịch trong và ngoài nước. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Tam Đảo có khả năng phục vụ 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế và đạt tổng doanh thu trên 680 tỷ đồng/năm.

Với sự tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trên địa bàn, huyện Tam Đảo đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy một cách hiệu quả và hợp lý tiềm năng lợi thế, tăng tốc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 Tam Đảo cơ bản thành huyện du lịch trọng điểm.

Video: FlyCam Tam Đảo Vĩnh Phúc

Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh – Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể Của Nhân Loại

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới.

Quan họ là một nghệ thuật biểu diễn dân gian lãng mạn, bắt nguồn từ vùng Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Có 49 làng Quan họ ở tỉnh Bắc Ninh và mỗi thôn có một hoặc nhiều người hát Quan họ hoặc một nhóm Quan họ.

Có 5 đến 6 người biểu diễn hát theo một nhóm Quan họ. Đứng đầu trong mỗi nhóm bởi chi cả hoặc anh cả . Sau đó, chị hai anh hai .v.v. Tùy thuộc vào nhóm nam hay nhóm nữ.

Khi mới thành lập, “Quan họ” chỉ được coi là một hoạt động văn hoá mà người dân ở Bắc Ninh và một số khu vực lân cận tụ tập, chia sẻ niềm đam mê với chất giọng quyến rũ của họ. Họ “chơi” Quan họ chứ không “trình diễn” nó, với mục đích chính là đáp ứng nhu cầu gặp gỡ và kết bạn với những người có cùng sở thích, và trao đổi tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong một cộng đồng lớn.

Tuy nhiên, người hát Quan họ bây giờ không chỉ là những ca sĩ nghiệp dư với niềm đam mê và cảm xúc của họ mà còn là người diễn viên trình diễn những bài hát được biên đạo múa một cách chuyên nghiệp. Họ được đào tạo kỹ càng, từ cử chỉ, động tác đến cảm xúc và ánh mắt để phù hợp với các buổi trình diễn và họ hát với bất cứ ai, không chỉ những người bạn đời như trước đây.

Các bài hát được thể hiện như những câu hát xen kẽ giữa hai người phụ nữ từ một làng cùng hát với nhau, và hai người đàn ông từ một làng khác hát đối lại với các giai điệu tương tự, nhưng với những lời khác. Những phụ nữ thường đội nón ba tầm và khăn mỏ quạ; Trang phục của nam giới bao gồm khăn xếp, ô lục soạn và áo chẽn. Hơn 400 bài hát, hát với 213 biến thể giai điệu khác nhau, thể hiện tình cảm của người hát, nỗi nhớ nhung và buồn bã khi chia tay, và niềm hạnh phúc khi gặp gỡ của những người yêu nhau. Hát Quan họ phổ biến trong các lễ nghi, lễ hội, các cuộc thi đấu và các buổi họp mặt thân mật, nơi khách hát cho chủ nhà trước khi chia tay.

Người ta nói rằng Dân ca Quan họ Bắc Ninh là bài hát trao đổi giữa hai gia đình nhà quan. Dần dần, nó lan ra và trở nên phổ biến với người dân miền Bắc. Các nhóm được hình thành chỉ để hát, và nhiều cuộc hôn nhân đã được hình thành tại những cuộc gặp gỡ này. Sau nhiều thế kỷ, dân ca Quan họ đã trở thành loại nhạc dân gian quan trọng nhất của Việt Nam.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh, là một điệu hát ca ngợi âm dương, trong đó con trai và con gái thay phiên nhau hát trong một giai điệu đối đáp. Thông thường hai người nữ sẽ bắt đầu, trình diễn một ca khúc hoàn chỉnh được gọi là “câu ra” kéo dài từ ba đến tám phút. Hai người nam của đội đối lập phản hồi với một bài hát khác gọi là “câu đối”, bài hát phải phù hợp với giai điệu của bài hát của đội nữ thì mới được coi là chính xác. Tiếp theo đó là lượt của đội nam để thách đố đội nữ với một bài hát có thể hoàn toàn khác so với các cặp bài hát trước đó.

Video: Làng Quan Họ Cổ Mễ

Trung Tâm Dịch Vụ Việc Làm Hưng Yên Là Cầu Nối Doanh Nghiệp Và Người Lao Động

Trước đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm năm 1997, trực thuộc sở lao động thương binh và xã hội. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nghề, tuyên truyền chính và phổ biến chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động chuyển đổi ngành nghề, tư vấn nghề nghiệp,…

Lúc mới thành lập trung tâm dịch vụ việc làm Hưng Yên chỉ có vỏn vẹn ba cán bộ, văn phòng phải đi thuê, đến nay trung tâm đã có 72 cán bộ, nhân viên, 1 trụ sở chính nằm tại TP-Hưng Yên; 1 văn phòng khu vực Phố Nối (huyện Mỹ Hào). Trung tâm là địa chỉ đáng tin cậy của người lao động và các doanh nghiệp khi có nhu cầu tìm việc, tìm kiếm thông tin tuyển dụng, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp hay công ty cần cung ứng lao động số lượng lớn đều liên hệ với trung tâm.

Từ năm 1997-2000, trung tâm dịch vụ việc làm Hưng Yên đã tư vấn cho hơn 1.500 lượt lao động, giới thiệu việc làm thành công cho khoảng trên 700 lượt người; trung bình hàng năm đào tạo nghề từ 50-100 lao động, sau khi học nghề họ có được việc làm chiếm tỷ lệ trên 90%. Từ khoảng thời gian tư năm 2011- nay, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã dạy nghề, hỗ trợ thủ tục, tư vấn chính sách pháp luật cho đối tượng xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Đức,…với số lượng được tư vấn là 88.116 lượt người, 39.285 lượt người được trung tâm giới thiệu việc làm và có 23.930 lượt người được công ty tuyển dụng.

Nhiều dự án đầu tư FDI, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh nhà, do đó để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong tỉnh từ năm 2010-đến nay, trung tâm đã tổ chức được 129 phiên giao dịch việc làm, có 3.279 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, có hơn 26.564 lượt lao động tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch. Để làm tốt hơn nữa nhu cầu cung ứng lao động, trung tâm đã ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và tổ chức phiên giao dịch việc làm online, đồng thời lập trang web cập nhật danh sách công ty có nhu cầu tuyển lao động, người lao động đang tìm việc làm để tiết kiệm thời gian, giảm phí tổn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Không những vậy, trung tâm còn thường xuyên tổ chức tuyển sinh, bồi dưỡng tiếng Nhật, Tiếng Hàn; phổ biến pháp luật nước sở tại cho 1.825 lao động đi nước ngoài làm việc có thời hạn.

Bắt đầu từ tháng 1-2010 chính phủ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm nhanh chóng bố trí cán bộ, sắp xếp cơ sở vật chất để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động. Tính từ năm 2010- nay đã có 27.336 lượt người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, 25.229 lượt người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, có 25.370 lượt người thất nghiệp được tư vấn và giới thiệu việc làm. Mặt khác, trung tâm làm nhiệm vụ điều tra thống kê, nắm bắt thông tin thị trường lao động, nhập trên một triệu tin thị trường lao động theo chỉ đạo của Cục việc làm (trực thuộc Bộ lao động thương binh và xã hội) để kết nối cung-cầu diễn biến thị trường lao động trong cả nước,…

Trung tâm dịch vụ việc làm Hưng Yên phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm dịch vụ việc làm trọng điểm để thực hiện nhiệm vụ phân tích, đánh giá, dự báo thị trường lao động trong tỉnh và làm cầu nối giữa cơ sở giáo dục-người lao động-doanh nghiệp tuyển dụng. Thêm vào đó, trung tâm còn cung cấp số liệu chính xác, khách quan, kịp thời cho các các cơ quan quản lý lao động nhà nước để các cơ quan, bộ ngành địa phương và trung ương có cơ sở xây dựng chiến lược giáo dục, chính sách kinh tế- xã hội, chính sách lao động-việc làm. Trải qua hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh có những đóng góp đáng tự hào giúp đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Văn phòng Trung Tâm Dịch Vụ Việc Làm Hưng Yên

AH14, Khu Phố Nối, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Điện thoại: 0968.863.985

Hải Dương Thúc Đẩy Công Tác Dạy Nghề Cho Lao Động Trong Diện Được Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp

Hải Dương là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc bộ, và nắm vai trò khu công nghiệp của toàn vùng thủ đô. Có giao thông thuận lợi với TP-Hà Nội, TP-Hải Phòng và Quảng Ninh, Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Hải Dương có dân số hơn 2.463.000 người, và mật độ khoảng 1.488 người/km2. Dân số đông giúp Hải Dương sở hữu một thị trường lao động lớn.

Trong năm 2016, trung bình hàng tháng có khoảng 800 lao động nhận trợ cấp trong tổng số hơn 250.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy,  Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương luôn chú trọng thực hiện công tác tư vấn – giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện Trung tâm đang triển khai một số lớp dạy nghề cho lao động có nhu cầu, gồm:

– May công nghiệp (thời gian đào tạo 3 tháng).

– Tin học văn phòng (thời gian đào tạo từ 2-3 tháng).

– Lái xe ô tô các hạng, thời gian đào tạo tùy theo từng hạng (từ 2- 5 tháng).

Ngoài ra, trung tâm cũng cho niêm yết danh sách các khóa học của các cơ sở đào tạo nghề trong địa bàn tỉnh để người lao động có nhiều lựa chọn nghề học phù hợp với bản thân.

Theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người tham gia bảo hiểm sẽ được nhận trợ cấp 1.000.000đ/ tháng khi đăng ký học nghề, trong thời gian không dài hơn 6 tháng.

Học viên sau khi học nghề sẽ được giới thiệu công việc phù hợp hoặc tư vấn tự tạo việc làm. Đến hết tháng 10/2016, đã có gần 200 lao động được đào tạo nghề với số tiền hỗ trợ hơn 800.000.000 đồng. Chính sách hỗ trợ học nghề đã góp phần không nhỏ trong việc giúp lao động thất nghiệp được học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và ổn định tình hình xã hội tỉnh nhà.

Trong tương lai, chính sách hỗ trợ học nghề cho đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ có nhiều thay đổi để bổ sung mức hỗ trợ cho học viên. Điều này sẽ làm  tăng số lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng kí học nghề. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cũng tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động đào tạo nghề đến người lao động, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải cách lĩnh vực dạy nghề để thu hút thêm học viên đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy giúp học viên sau khi hoàn thành đạo tạo, đảm bảo được việc làm lâu dài, bền vững.

An Toàn, Vệ Sinh Lao Động Được Quan Tâm Trong Các Doanh Nghiệp Ở Hưng Yên

Tại khu công nghiệp Thăng Long 2, có 64 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 16.000 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, người lao động phải “đạt chuẩn” mới được đứng máy ở các công ty có qui trình làm việc hết sức khắt khe.

“Đạt chuẩn” là ngoài yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp, các doanh nghiệp bắt buộc người làm việc ở khu công nghiệp Thăng Long 2 phải có ý thức kỷ luật, tôn trọng luật pháp như: Người lao động phải thực hiện đúng nội qui công ty đề ra, phải có giấy phép lái xe; trước khi được bố trí, sắp xếp vào dây chuyền thì tất cả người lao động phải trải qua khóa huấn luyện an toàn, học nội quy và được hội đồng an toàn vệ sinh lao động của công ty sát hạch kỹ năng vận hành máy móc sản xuất, kỹ năng xử lý tai nạn lao động,…

Ở công ty tnhh Nikkiso Việt Nam (khu công nghiệp Thăng Long 2), anh Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: Khi phỏng vấn ứng viên, ứng viên nào không có giấy phép lái xe sẽ không được công ty tuyển dụng. Công ty chúng tôi thực hiện nghiêm qui định pháp luật lao động, tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, nhân viên. Từng thao tác, vận hành máy, hành đồng cụ thể đối với môi trường làm việc của công nhân, nhân viên đều có bộ phận an toàn theo dõi, giám sát, đánh giá; ai vi phạm những lỗi nhẹ thì nhắc nhở tránh tái phạm, lỗi nặng thì bị trừ vào lương nên công nhân, nhân viên có ý thức cao để bảo đảm an toàn lao động nơi làm việc và khi tham gia giao thông.

Chị Phạm Thị Thơm, Phó Giám đốc công ty tnhh Drossapharm Asia (khu công nghiệp Phố Nối A), phát biểu: Ban quản lý công ty xác định an toàn vệ sinh lao động là yếu tố quyết định hiệu quả trong kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, mỗi năm công ty đều tập huấn và theo dõi việc thực hành, vận hành thiết bị có đúng qui trình an toàn hay không. Từ khi chính thức hoạt động cho đến nay công ty Drossapharm Asia chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nào.

Những công ty thuộc nhóm da giày, dệt may có hệ thống truyền thanh nội bộ nên trong giờ làm hội đồng an toàn vệ sinh lao động công ty, trưởng phòng sản xuất, quản đốc, tổ trưởng sản xuất giám sát tiến độ, thao tác làm việc, ý thức kỷ luật của công nhân và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn lao động qua loa truyền thanh nội bộ.

Các công ty như công ty Inax Việt Nam và công ty sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy Việt Nam còn thiết kế “Góc an toàn” để người lao động có thể tìm hiểu qui định pháp luật lao động, chia sẻ kiến thức an toàn lao động.

Trưởng phòng việc làm – an toàn lao động (trực thuộc Sở lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hưng Yên), Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ những trăn trở: Thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm mấy đến vấn đề vệ sinh an toàn lao động, nên vấn đề này họ chỉ làm cho có, đối phó với đoàn thanh tra là chính, chưa đổi mới công nghệ để giảm thiểu sức lao động công nhân ở những vị trí làm việc độc hại, nguy hiểm, dễ mắc bệnh nghề nghiệp; người lao động ý thức kỷ luật còn hạn chế…Thêm vào đó doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn lao động mà không bắt buộc trình báo với cơ quan chức năng nên chất lượng huấn luyện thật khó mà kiểm soát được.

Hiện nay toàn tỉnh Hưng Yên có 380 doanh nghiệp thiết lập mạng lưới an toàn vệ vinh viên, có tổng số thành viên là 3.820 người. Các doanh nghiệp đã tự giác tập huấn cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác an toàn và huấn luyện công nhân trực tiếp. Ở từng bộ phận sản xuất, doanh nghiệp đều gắn bảng hướng dẫn qui trình sản xuất an toàn, bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra hội đồng an toàn vệ sinh lao động công ty còn trực tiếp xuống kiểm tra bảo dưỡng thiết bị định kỳ, kiểm tra người vận hành máy,…

Video: Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi

Hội đền Kiếp Bạc Hải Dương

Hàng năm vào những ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch, Hội đền Kiếp Bạc sẽ được cử hành tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đây là lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Mỗi năm đều có hàng vạn du khách từ khắp mọi nơi trên đất nước đổ về tham dự lễ hội, tưởng nhớ đến công đức của vị anh hùng dân tộc.

Thời xưa, triều đình sẽ cử quan lại về làm chủ tế và tổ chức hội theo nghi lễ quốc gia. Có thể thấy ngày giỗ Đức Thánh Trần là vô cùng thiêng liêng vì nhân dân tôn thờ ngài như một người cha.

Ngày nay 20/8 âm lịch mới bắt đầu chính hội nhưng du khách từ khắp mọi miền đất nước đã nô nức kéo về từ vài hôm trước. Ngày hội chính được tổ chức vô cùng trang trọng, mở đầu bằng lễ dâng hương của chính quyền địa phương. Tiếp theo, chính quyền địa phương cử đại diện đọc diễn văn tôn vinh công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thắng lợi của ngài trong cuộc chiến chống quân xâm lược, đồng thời đề cao tinh thần đại đoàn kết cùng lòng yêu nước của dân tộc ta. Sau lễ dâng hương, đại lễ sẽ được cử hành với nghi thức tế uy nghiêm và trang trọng. Ngay sau khi hoàn thành lễ tế, người ta sẽ tiến hành lễ rước, đây là một nghi lễ rất quan trọng, được chọn vào vị trí người chèo thuyền là một vinh dự lớn, công tác chuẩn bị thuyền rước cũng quan trọng không kém. Trên các thuyền rước đều được giăng đèn kết hoa rực rỡ bên mạn thuyền trang trí bằng các dải vải màu đỏ. Riêng thuyền rước Long kiệu được buộc vải màu vàng mạn thuyền, cờ hoa trang trí trên thuyền màu vàng cũng có màu vàng. Lễ rước không giới hạn chỉ cử hành tại địa phương mà quy tụ người dân từ khắp nơi với nhiều loại lễ vật dâng cúng từ các vùng miền trên cả nước. Khi lễ rước bắt đầu Bài vị Ðức Thánh được thỉnh lên cỗ Kiệu sơn son thiếp vàng, rước qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu rước được đưa lên thuyền rồng. Buổi lễ kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ – đồng thời kết thúc ngày chính hội.

Phần hội cũng khá phong phú và đa dạng được tổ chức xen kẽ phần lễ với  nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ…. Tiết mục thú vị nhất trong lễ hội Kiếp Bạc phải kể đến cuộc thi đua thuyền với sự tham gia của hàng trăm con thuyền lướt trên mặt sông trong tiếng chiên trống hò reo vang dậy làm nức lòng khán giả. Du khách thập phương về trẩy hội đền Kiếp Bạc để được cảm nhận không khí trận mạc năm xưa, để hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc mình.

Video Lễ Hội Đền Kiếp Bạc

https://www.youtube.com/watch?v=4wPY8f1hR4E

Hà Nội: Tìm Giải Pháp Cho Vấn Đề Thiếu Việc Làm

Khai trương từ ngày 25/10/2016 đến nay, Điểm Giao dịch việc làm tại Sóc Sơn trở thành địa chỉ đáng tin cậy đối với người lao động địa phương. Hơn thế nữa, nơi đây còn hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan tới người lao động, như tiếp nhận khai báo bảo hiểm thất nghiệp.

Sóc Sơn là một huyện với nhiều khu nghiệp tập trung như: Khu công nghiệp Sóc Sơn, Khu công nghiệp sạch tại 2 xã Minh Trí và Tân Dân, Cụm công nghiệp tập trung Nỉ… Những khu công nghiệp này luôn có nhu cầu sử dụng lao động rất lớn.

Bà Vi Thị Bình Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhiều năm qua, huyện đã tập trung tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, từ năm 2011 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn lao động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm, nhất là đối với lao động ở những khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp vẫn cần được chú ý giải quyết. Do đó, Điểm Giao dịch việc làm đã trở thành giải pháp cho tình trạng thiếu việc làm trên địa bàn”.

Vì vậy, các điểm giao dịch việc làm trên địa huyện bàn sẽ thu hút người lao động trong khu vực tới tham gia tìm kiếm công việc, từ đó giải quyết mối quan hệ cung – cầu của thị trường lao động.

Trong suốt quá trình hoạt động, Điểm Giao dịch việc làm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tạo cơ hội cho người lao động kết nối với các doanh nghiệp thông qua Sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội với các phiên Giao dịch việc làm định kỳ (thứ 3 và thứ 5 hàng tuần), nhờ đó, số lượng người lao động tìm đến với điểm Giao dịch việc làm ngày một nhiều hơn. Bạn Đinh Thị Ngân (sinh năm 1994, tốt nghiệp Học viện Hành chính, trú tại Sóc Sơn) chia sẻ: “Với sinh viên mới ra trường, rất khó để cập nhật thông tin cũng như tiếp cận tuyển dụng của những công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, khi trên địa bàn huyện có điểm giao dịch việc làm, tôi cũng được tư vấn và tìm hiểu thông tin của một số doanh nghiệp phù hợp với bản thân. Tôi hy vọng,  tôi có thể tìm được một công việc phù hợp với sự giúp đỡ của sàn giao dịch việc làm”.

Phát biểu ý kiến về Điểm Giao dịch việc làm tại Sóc Sơn, ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội cho biết: “Việc khai trương Điểm Giao dịch việc làm đã giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và khu vực lân cận có cơ hội cập nhật thông tin thị trường lao động. Nhờ đó, người lao động và doanh nghiệp được tư vấn việc làm, học nghề, tìm hiểu chính sách pháp luật lao động, được giới thiệu việc làm trong và ngoài nước thông qua hoạt động định kỳ tại Điểm giao dịch”.

Điểm Giao dịch việc làm Sóc Sơn thực sự là cơ hội cho người lao động tại địa bàn huyện có thể tìm kiếm việc làm, đi xuất khẩu lao động và học nghề phù hợp.

Năm 2016, Hà Nội đã thiết lập 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Những điểm giao dịch việc làm này giúp người lao động có cơ hội nhận được sự tư vấn, tiếp xúc với nhà tuyển dụng mà không cần đi xa. Ngoài ra, 5 phiên giao dịch việc làm dành cho đối tượng lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được tổ chức. Qua những phiên giao dịch việc làm này, Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội đã tạo cơ hội việc làm cho người lao động và đóng góp 149,000 người lao động có việc làm năm vào chỉ tiêu việc làm của thành phố năm 2016.

Tăng Cường Quản Lý Lao Động Nước Ngoài  Làm Việc Tại Bắc Ninh

Người lao động nước ngoài đến Bắc Ninh làm việc ngày càng đông, do đó vấn đề quản lý lao động nước ngoài có sự phối hợp giữa sở ngoại vụ, sở công an, ban quản lý các khu công nghiệp, sở lao động thương binh và xã hội,… nhằm đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Hiện nay có hơn 3.000 người lao động làm việc tại tỉnh, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ,…Họ đảm nhận nhiều vị trí như CEO, chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật,…(Thống kê năm 2016 của sở lao động thương binh và xã hội tỉnh.)

Vài doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI trước đây lợi dụng kẽ hở qui định của pháp lệnh nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là làm việc dưới ba tháng không phải xin cấp phép lao động để “lách luật” nhằm giảm chi phí. Không những vậy công ty còn đưa người nước ngoài sang làm việc dưới ba tháng rồi luân phiên thay đổi lao động, có trường hợp lao động nước ngoài đến Bắc Ninh với danh nghĩa đi du lịch, thăm người thân nhưng thực sự ở lại dạy ngoại ngữ hay làm công việc khác, khiến cho công tác quản lý, giám sát người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những tồn tại về công tác quản lý người lao động nước ngoài ở Bắc Ninh, vừa qua sở lao động thương binh và xã hội, sở công an, ban quản lý các khu công nghiệp đã thống nhất xây dựng qui chế phối hợp giữa các bên nhằm siết chặt công tác quản lý, cấp phép, tránh chồng chéo, sai sót nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đồng thời các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật, phổ biến qui định chính sách pháp luật cho các doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra, thanh tra định kỳ và giải đáp thắc mắc cho đối tượng lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động. Nếu doanh nghiệp hoặc người nước ngoài cố tình không trình báo, sử dụng lao động nước ngoài không đăng ký sẽ bị xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ủy quyền Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh được phép phê duyệt kế hoạch sử dụng lao động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Sở lao động thương binh và xã hội Bắc Ninh phê duyệt kế hoạch sử dụng lao động ngoài khu công nghiệp. Thêm vào đó, thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài đến cư trú, làm việc được tinh giản gọn nhẹ, cụ thể như: Thời gian cấp phép giảm từ mười ngày xuống năm ngày, thời gian cấp lại giảm từ ba ngày xuống còn hai ngày. Chính vì vậy tình hình quản lý, sử dụng lao động ngày càng có những chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp chủ động đăng ký sử dụng lao động, báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ, gia hạn thời gian làm việc, đăng ký tạm trú,…đã đi vào nề nếp, đúng qui định của pháp luật.