Khám Phá Di Tích Phố Hiến –Hưng Yên

Từng là thương cảng phồn thịnh nhất Đàng Ngoài thế kỷ 16-17, Phố Hiến (TP-Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là nơi giao hòa của nhiều nền văn hóa như Việt Nam, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Hà Lan,..Năm 2014 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, bao gồm 17 di tích tiêu biểu hợp thành: Đền Hoa Dương Linh Từ (đền Mẫu), đình- chùa Hiến, đền Nam Hòa, đền Thiên Hậu, đền Mây, đình An Vũ, đền Quan Thánh Đế Quân (Võ Miếu), đền Cửu Thiên Nương Nương (Cửu Thiên Huyền Nữ), Văn miếu Hưng Yên (Văn Miếu Xích Đằng), chùa Chuông (Kim Chung Tự), đền Ủng, Đông Đô Quảng Hội, chùa Phố, Đền Trần Hưng Đạo, đền Kim Đằng, chùa Nễ Châu, đền Bà Chúa Kho.

Tọa lạc bên hồ Bán Nguyệt, đền Mẫu là công trình tâm linh mang đậm kiến trúc Trung Hoa, đền thờ bà Dương Quý Phi (nhà Tống-Trung Hoa) là người đã tuẫn tiết giữ lòng trung với vua khi bị quân Mông Cổ truy sát. Nhiều dòng họ người Hoa di cư sang Đại Việt khi triều Minh sụp đổ xây dựng đền Mẫu để thờ phụng, cầu bình an. Che chắn cho ngôi đền là ba cây cổ thụ Sanh, Đa, Si có tuổi đời hơn 800 năm càng làm cho không gian đền Mẫu thêm linh thiêng, huyền ảo.

Đền Trần Hưng Đạo, là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, Ngài là nhà quân sự, nhà văn, nhà chính trị lỗi lạc của Đại Việt, Ngài có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông lần 1, 2, 3.

Văn miếu Hưng Yên, được xây dựng từ thời Hậu Lê, văn miếu là biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học, ước mơ khoa bảng của lớp nho sĩ, nơi hội tụ tinh hoa, trí tuệ, tinh thần tôn sư trọng đạo của người Hưng Yên. Hiện nay, Văn miếu còn giữ được 9 tấm bia đá khắc ghi 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa, bia đá điêu khắc hình long, lân chầu nguyệt rất tinh xảo.

Đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, ông là vị tướng anh dũng đã từng theo Ngô Vương đánh quân Nam Hán trên Bạch Đằng giang, sau đó ông đầu quân Đinh Bộ Lĩnh thống nhất loạn 12 sứ quân. Đền được xây từ thờ Đinh-Tiền Lê và được tu bổ lại vào thời nhà Nguyễn. Ngôi đền này còn chứa đựng nhiều câu chuyện truyền miệng linh thiêng, là minh chứng cho lòng tin của người dân về sức mạnh vị thần bảo hộ họ.

Chùa Chuông (Kim Chung Tự) được xây dựng ở thế kỷ 15, trải qua cuộc trùng tu qui mô lớn năm 1707, dễ dàng nhận thấy hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê hiện rõ như cổng tam quan, tiền đường, thiên hương, thiên điện, cây cầu đá bắt qua ao mắt rồng –trồng nhiều hoa súng, bên hành lang có dãy tượng 18 vị La Hán, tượng thập điện Diêm Vương, nhà thờ tổ có nhiều tượng Quan Âm Bồ Tát bằng đá, cuối hành lang có chuông đồng, khánh đá,…Bước vào ngôi cổ tự có cảm giác như thời gian lắng đọng, tâm hồn thư thái lạ kỳ.

Đền Bà Chúa Kho, thờ Bà Lê Bạch Nương, một người phụ nữ trung quân ái quốc, tiết tháo hơn người. Bà được triều đình Hậu Lê giao trông coi kho lương, ngân khố đồn Vĩnh Ty, bà chiến đấu cùng đội quân bảo vệ kho, quyết không để kho rơi vào tay giặc, bà hy sinh trong trận chiến không cân sức này. Đền thiết kế theo lối chữ nhị có ba gian tế, ba gian hậu cung. Ngôi đền còn giữ được hai đạo sắc phong niên hiệu Khải Định (vua triều Nguyễn), tượng đồng, lục bình sứ, tượng gỗ,…

Đền Cửu Thiên Nương Nương (Cửu Thiên Huyền Nữ), đền được người Hoa ở Phố Hiến xây dựng, đền là nơi thờ tự Đức Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, người thường ra tay giúp đỡ nhân dân lúc hoạn nạn, hiểm nguy nên được tôn làm thánh. Đền có kiến trúc chữ Công có ba gian tiền tế, một gian ống muống, 3 gian hậu cung. Đền vẫn được du khách thập phương, người dân địa phương nhang khói mỗi ngày, cầu mong sự che chở cứu giúp của Cửu Thiên Nương Nương.

Cụm di tích đình – chùa Hiến, là điểm đến tâm linh lý thú du khách khi đến Phố Hiến, trước sân ngôi cổ tự có hai bia đá dựng năm 1625 và bia còn lại dựng năm 1709, trên bia khắc quá trình cư ngụ, hình thành Phố Hiến xưa. Trong khuôn viên chùa có cây nhãn Tổ, tuổi đời hơn 300, đây là cây nhãn đường phèn, quả to, ngọt thanh, cùi dày, nhãn này ngày xưa chỉ để tiến vua.

Đến Phố Hiến khám phá mảnh đất đô hội một thời, nơi mang trong mình những câu chuyện kỳ thú từ quá khứ. Phố Hiến có không khí trong lành, người dân mến khách, giá cả phải chăng và cùng thưởng thức món ăn dân dã như chè long nhãn, bún thang lươn, chè hạt sen, bún riêu cua,… Là trải nghiệm không thể quên cho những ai từng một lần đặt chân đến nơi này.

Video: Giá trị lịch sử – văn hóa quần thể di tích Phố Hiến

Trung Tâm Dịch Vụ Việc Làm Hưng Yên Là Cầu Nối Doanh Nghiệp Và Người Lao Động

Trước đòi hỏi phải có một cơ quan chuyên trách cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký quyết định thành lập trung tâm dịch vụ việc làm năm 1997, trực thuộc sở lao động thương binh và xã hội. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nghề, tuyên truyền chính và phổ biến chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động chuyển đổi ngành nghề, tư vấn nghề nghiệp,…

Lúc mới thành lập trung tâm dịch vụ việc làm Hưng Yên chỉ có vỏn vẹn ba cán bộ, văn phòng phải đi thuê, đến nay trung tâm đã có 72 cán bộ, nhân viên, 1 trụ sở chính nằm tại TP-Hưng Yên; 1 văn phòng khu vực Phố Nối (huyện Mỹ Hào). Trung tâm là địa chỉ đáng tin cậy của người lao động và các doanh nghiệp khi có nhu cầu tìm việc, tìm kiếm thông tin tuyển dụng, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp hay công ty cần cung ứng lao động số lượng lớn đều liên hệ với trung tâm.

Từ năm 1997-2000, trung tâm dịch vụ việc làm Hưng Yên đã tư vấn cho hơn 1.500 lượt lao động, giới thiệu việc làm thành công cho khoảng trên 700 lượt người; trung bình hàng năm đào tạo nghề từ 50-100 lao động, sau khi học nghề họ có được việc làm chiếm tỷ lệ trên 90%. Từ khoảng thời gian tư năm 2011- nay, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã dạy nghề, hỗ trợ thủ tục, tư vấn chính sách pháp luật cho đối tượng xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Đức,…với số lượng được tư vấn là 88.116 lượt người, 39.285 lượt người được trung tâm giới thiệu việc làm và có 23.930 lượt người được công ty tuyển dụng.

Nhiều dự án đầu tư FDI, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh nhà, do đó để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong tỉnh từ năm 2010-đến nay, trung tâm đã tổ chức được 129 phiên giao dịch việc làm, có 3.279 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, có hơn 26.564 lượt lao động tuyển dụng trực tiếp tại phiên giao dịch. Để làm tốt hơn nữa nhu cầu cung ứng lao động, trung tâm đã ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và tổ chức phiên giao dịch việc làm online, đồng thời lập trang web cập nhật danh sách công ty có nhu cầu tuyển lao động, người lao động đang tìm việc làm để tiết kiệm thời gian, giảm phí tổn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Không những vậy, trung tâm còn thường xuyên tổ chức tuyển sinh, bồi dưỡng tiếng Nhật, Tiếng Hàn; phổ biến pháp luật nước sở tại cho 1.825 lao động đi nước ngoài làm việc có thời hạn.

Bắt đầu từ tháng 1-2010 chính phủ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm nhanh chóng bố trí cán bộ, sắp xếp cơ sở vật chất để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động. Tính từ năm 2010- nay đã có 27.336 lượt người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, 25.229 lượt người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp, có 25.370 lượt người thất nghiệp được tư vấn và giới thiệu việc làm. Mặt khác, trung tâm làm nhiệm vụ điều tra thống kê, nắm bắt thông tin thị trường lao động, nhập trên một triệu tin thị trường lao động theo chỉ đạo của Cục việc làm (trực thuộc Bộ lao động thương binh và xã hội) để kết nối cung-cầu diễn biến thị trường lao động trong cả nước,…

Trung tâm dịch vụ việc làm Hưng Yên phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm dịch vụ việc làm trọng điểm để thực hiện nhiệm vụ phân tích, đánh giá, dự báo thị trường lao động trong tỉnh và làm cầu nối giữa cơ sở giáo dục-người lao động-doanh nghiệp tuyển dụng. Thêm vào đó, trung tâm còn cung cấp số liệu chính xác, khách quan, kịp thời cho các các cơ quan quản lý lao động nhà nước để các cơ quan, bộ ngành địa phương và trung ương có cơ sở xây dựng chiến lược giáo dục, chính sách kinh tế- xã hội, chính sách lao động-việc làm. Trải qua hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh có những đóng góp đáng tự hào giúp đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Văn phòng Trung Tâm Dịch Vụ Việc Làm Hưng Yên

AH14, Khu Phố Nối, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Điện thoại: 0968.863.985

An Toàn, Vệ Sinh Lao Động Được Quan Tâm Trong Các Doanh Nghiệp Ở Hưng Yên

Tại khu công nghiệp Thăng Long 2, có 64 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 16.000 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, người lao động phải “đạt chuẩn” mới được đứng máy ở các công ty có qui trình làm việc hết sức khắt khe.

“Đạt chuẩn” là ngoài yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp, các doanh nghiệp bắt buộc người làm việc ở khu công nghiệp Thăng Long 2 phải có ý thức kỷ luật, tôn trọng luật pháp như: Người lao động phải thực hiện đúng nội qui công ty đề ra, phải có giấy phép lái xe; trước khi được bố trí, sắp xếp vào dây chuyền thì tất cả người lao động phải trải qua khóa huấn luyện an toàn, học nội quy và được hội đồng an toàn vệ sinh lao động của công ty sát hạch kỹ năng vận hành máy móc sản xuất, kỹ năng xử lý tai nạn lao động,…

Ở công ty tnhh Nikkiso Việt Nam (khu công nghiệp Thăng Long 2), anh Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: Khi phỏng vấn ứng viên, ứng viên nào không có giấy phép lái xe sẽ không được công ty tuyển dụng. Công ty chúng tôi thực hiện nghiêm qui định pháp luật lao động, tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, nhân viên. Từng thao tác, vận hành máy, hành đồng cụ thể đối với môi trường làm việc của công nhân, nhân viên đều có bộ phận an toàn theo dõi, giám sát, đánh giá; ai vi phạm những lỗi nhẹ thì nhắc nhở tránh tái phạm, lỗi nặng thì bị trừ vào lương nên công nhân, nhân viên có ý thức cao để bảo đảm an toàn lao động nơi làm việc và khi tham gia giao thông.

Chị Phạm Thị Thơm, Phó Giám đốc công ty tnhh Drossapharm Asia (khu công nghiệp Phố Nối A), phát biểu: Ban quản lý công ty xác định an toàn vệ sinh lao động là yếu tố quyết định hiệu quả trong kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, mỗi năm công ty đều tập huấn và theo dõi việc thực hành, vận hành thiết bị có đúng qui trình an toàn hay không. Từ khi chính thức hoạt động cho đến nay công ty Drossapharm Asia chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nào.

Những công ty thuộc nhóm da giày, dệt may có hệ thống truyền thanh nội bộ nên trong giờ làm hội đồng an toàn vệ sinh lao động công ty, trưởng phòng sản xuất, quản đốc, tổ trưởng sản xuất giám sát tiến độ, thao tác làm việc, ý thức kỷ luật của công nhân và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn lao động qua loa truyền thanh nội bộ.

Các công ty như công ty Inax Việt Nam và công ty sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy Việt Nam còn thiết kế “Góc an toàn” để người lao động có thể tìm hiểu qui định pháp luật lao động, chia sẻ kiến thức an toàn lao động.

Trưởng phòng việc làm – an toàn lao động (trực thuộc Sở lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hưng Yên), Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ những trăn trở: Thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm mấy đến vấn đề vệ sinh an toàn lao động, nên vấn đề này họ chỉ làm cho có, đối phó với đoàn thanh tra là chính, chưa đổi mới công nghệ để giảm thiểu sức lao động công nhân ở những vị trí làm việc độc hại, nguy hiểm, dễ mắc bệnh nghề nghiệp; người lao động ý thức kỷ luật còn hạn chế…Thêm vào đó doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn lao động mà không bắt buộc trình báo với cơ quan chức năng nên chất lượng huấn luyện thật khó mà kiểm soát được.

Hiện nay toàn tỉnh Hưng Yên có 380 doanh nghiệp thiết lập mạng lưới an toàn vệ vinh viên, có tổng số thành viên là 3.820 người. Các doanh nghiệp đã tự giác tập huấn cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác an toàn và huấn luyện công nhân trực tiếp. Ở từng bộ phận sản xuất, doanh nghiệp đều gắn bảng hướng dẫn qui trình sản xuất an toàn, bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra hội đồng an toàn vệ sinh lao động công ty còn trực tiếp xuống kiểm tra bảo dưỡng thiết bị định kỳ, kiểm tra người vận hành máy,…

Video: Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi

Ngày hội việc làm Hưng Yên

Đầu tháng 5/2017,  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hưng Yên phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Ngày hội việc làm tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Mỹ Hào.

Chương trình có sự góp mặt của các lãnh đạo địa phương; cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban ngành chuyên môn của Tỉnh đoàn và Sở Lao động – TB&XH; đại diện các Doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận; Bí thư các Huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc. Thêm vào đó là sự có mặt của hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, người lao động, nhân dân tham dự ngày hội.

Trong lễ Khai mạc đồng chí Bí thư tỉnh đoàn đã nhấn mạnh rằng: “Các cấp bộ Đoàn của tỉnh luôn quan tâm giải quyết vấn đề về nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên thông qua các chương trình, phong trào hành động thiết thực, có ý nghĩa, tạo điều kiện cho lao động thanh niên tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay, có cơ hội được tập huấn, học hỏi kinh nghiệm để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp.”

Ngày hội nghề nghiệp, việc làm còn có sự góp mặt của 52 doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và các khu vực lân cận; Đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh, người lao động có cơ hội được tìm hiểu, trao đổi thông tin liên quan đến thị trường lao động, việc làm, thông tin về vấn đề tuyển sinh và đào tạo nghề. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao dịch việc làm; kết nối nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc làm của người lao động; để doanh nghiệp thực sự đồng hành với người lao động trong nghề nghiệp, việc làm.

Tại ngày hội việc làm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trao tặng 10 phần quà cho các Đoàn viên thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn của các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm mục đích động viên và khích lệ tinh thần hăng say lao động, cống hiến hơn của Đoàn viên thanh niên.

Tại phiên giao dịch việc làm, các cán bộ, Đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh, người lao động đã được đại diện các doanh nghiệp tận tình hướng dẫn, tư vấn để có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu; tạo điều kiện cho người lao động tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, các ưu đãi khi tham gia doanh nghiệp, hay các gói hỗ trợ khi xuất khẩu lao động nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ngày hội nghề nghiệp, việc làm nói trên đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong Đoàn viên thanh niên, giúp Đoàn viên thanh niên mở rộng cơ hội việc làm, tạo dựng được định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay.

Người Trồng Vải Phù Cừ-Hưng Yên Hứa Hẹn Được Mùa

Ông Ngô Văn Kỷ, một hộ trồng vải ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, phấn khởi kể: “Năm 2011, gia đình tôi chuyển từ gieo lúa sang trồng giống vải lai chín sớm, năm nay đây là vụ thứ tư thu hoạch. Gia đình có hơn sáu sào, năm 2016 thu được hơn hai tấn vải, bán được gần 40 triệu vnd, thương lái đến tận vườn thu mua luôn. Trước đây tôi trồng vải chỉ dựa vào kinh nghiệm nên chất lượng vải thấp, năng suất chưa cao, hiệu quả kinh kế thấp. Năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật trồng vải theo đúng qui trình VietGap, công với thời tiết thuận lợi nên vườn vải nhà tôi cây nào cũng ra hoa, tỷ lệ đậu quả rất cao, theo ước tính sản lượng đạt khoảng hơn 3 tấn, tăng gấp 1,5 lần sao với vụ năm trước. ”

Hộ nông dân Đặng Văn Nga, cho biết: “Tôi có hơn một mẫu đất trồng vải lai chín sớm, năm nay tôi áp dụng kỹ thuật IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) ngay sau khi thu hoạch. Được cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp huyện tập huấn hướng dẫn kỹ thuật khoanh gốc, giảm bớt chất dinh dưỡng để kiểm soát cây vải giảm lộc lá và cho lộc hoa ra đúng thời điểm vả lại năm nay thời tiết thuận lợi cho cây vải sinh trưởng. Năm nay vườn vải ra hoa đạt tỉ lệ 100%, tỷ lệ đậu quả cao hơn 50-60% so với vụ vải năm ngoái.”

Hơn 500 ha vải của huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) trồng tập trung tại các xã Tống Trấn, Tiên Tiến, Tam Đa, Minh Tiến,… Trong năm 2016, vải lai chín sớm đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, tạo cơ hội xuất khẩu, nâng cao uy tín thương hiệu quê vải Hưng Yên và giúp tăng thu nhập cho bà con trồng vải.

Hiện tại, vải đang thời kỳ quả non, chủ vườn đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như rệp, sâu đục cuống, bọ xít; bệnh thán thư, sương mai,…để hạn chế quả vải bị teo nhỏ, rụng quả. Theo dự kiến mùa thu hoạch vải năm nay bắt đầu từ cuối tháng năm đến đầu tháng 6. Sản lượng vải lai ước đạt khoảng 7.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ.

Nhằm cải thiện chất lượng vải, uy tín thương hiệu và hiệu quả kinh tế cho bà con trồng vải, các cơ quan đơn vị chuyên môn của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tập huấn mô hình thâm canh vải theo qui trình VietGap, IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), quản lý, theo dõi sâu bệnh với diện tích hơn 40 ha. Trong quá trình triển khai, nông dân tham gia mô hình được học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ một phần chi phí thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, phân bón,…Ngoài ra huyện Phù Cừ còn trích ngân sách hỗ trợ kinh phí mua hộp xốp, túi nilông, in tem nhãn để bà con đóng vải khi thu hoạch.

Để quảng bá hình ảnh vải lai chín sớm Phù Cừ, đẩy mạnh việc thu mua, xuất khẩu vải, lãnh đạo huyện Phù Cừ phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, xúc tiến tại các hội chợ thương mại trong và ngoài nước để quáng bá đặc sản vải, tích cực tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu có số lượng lớn, quản lý thương hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn sao chép, bán hàng kém chất lượng gây mất uy tín thương hiệu và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Video: Vải lai chín sớm Phù Cừ được mùa, được giá