Tại khu công nghiệp Thăng Long 2, có 64 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 16.000 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, người lao động phải “đạt chuẩn” mới được đứng máy ở các công ty có qui trình làm việc hết sức khắt khe.
“Đạt chuẩn” là ngoài yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp, các doanh nghiệp bắt buộc người làm việc ở khu công nghiệp Thăng Long 2 phải có ý thức kỷ luật, tôn trọng luật pháp như: Người lao động phải thực hiện đúng nội qui công ty đề ra, phải có giấy phép lái xe; trước khi được bố trí, sắp xếp vào dây chuyền thì tất cả người lao động phải trải qua khóa huấn luyện an toàn, học nội quy và được hội đồng an toàn vệ sinh lao động của công ty sát hạch kỹ năng vận hành máy móc sản xuất, kỹ năng xử lý tai nạn lao động,…
Ở công ty tnhh Nikkiso Việt Nam (khu công nghiệp Thăng Long 2), anh Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: Khi phỏng vấn ứng viên, ứng viên nào không có giấy phép lái xe sẽ không được công ty tuyển dụng. Công ty chúng tôi thực hiện nghiêm qui định pháp luật lao động, tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, nhân viên. Từng thao tác, vận hành máy, hành đồng cụ thể đối với môi trường làm việc của công nhân, nhân viên đều có bộ phận an toàn theo dõi, giám sát, đánh giá; ai vi phạm những lỗi nhẹ thì nhắc nhở tránh tái phạm, lỗi nặng thì bị trừ vào lương nên công nhân, nhân viên có ý thức cao để bảo đảm an toàn lao động nơi làm việc và khi tham gia giao thông.
Chị Phạm Thị Thơm, Phó Giám đốc công ty tnhh Drossapharm Asia (khu công nghiệp Phố Nối A), phát biểu: Ban quản lý công ty xác định an toàn vệ sinh lao động là yếu tố quyết định hiệu quả trong kinh doanh, sản xuất. Vì vậy, mỗi năm công ty đều tập huấn và theo dõi việc thực hành, vận hành thiết bị có đúng qui trình an toàn hay không. Từ khi chính thức hoạt động cho đến nay công ty Drossapharm Asia chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nào.
Những công ty thuộc nhóm da giày, dệt may có hệ thống truyền thanh nội bộ nên trong giờ làm hội đồng an toàn vệ sinh lao động công ty, trưởng phòng sản xuất, quản đốc, tổ trưởng sản xuất giám sát tiến độ, thao tác làm việc, ý thức kỷ luật của công nhân và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn lao động qua loa truyền thanh nội bộ.
Các công ty như công ty Inax Việt Nam và công ty sản xuất phụ tùng ôtô, xe máy Việt Nam còn thiết kế “Góc an toàn” để người lao động có thể tìm hiểu qui định pháp luật lao động, chia sẻ kiến thức an toàn lao động.
Trưởng phòng việc làm – an toàn lao động (trực thuộc Sở lao động – thương binh và xã hội tỉnh Hưng Yên), Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ những trăn trở: Thực tế còn rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm mấy đến vấn đề vệ sinh an toàn lao động, nên vấn đề này họ chỉ làm cho có, đối phó với đoàn thanh tra là chính, chưa đổi mới công nghệ để giảm thiểu sức lao động công nhân ở những vị trí làm việc độc hại, nguy hiểm, dễ mắc bệnh nghề nghiệp; người lao động ý thức kỷ luật còn hạn chế…Thêm vào đó doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn lao động mà không bắt buộc trình báo với cơ quan chức năng nên chất lượng huấn luyện thật khó mà kiểm soát được.
Hiện nay toàn tỉnh Hưng Yên có 380 doanh nghiệp thiết lập mạng lưới an toàn vệ vinh viên, có tổng số thành viên là 3.820 người. Các doanh nghiệp đã tự giác tập huấn cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác an toàn và huấn luyện công nhân trực tiếp. Ở từng bộ phận sản xuất, doanh nghiệp đều gắn bảng hướng dẫn qui trình sản xuất an toàn, bảng cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra hội đồng an toàn vệ sinh lao động công ty còn trực tiếp xuống kiểm tra bảo dưỡng thiết bị định kỳ, kiểm tra người vận hành máy,…
Video: Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi