Hàng năm vào những ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch, Hội đền Kiếp Bạc sẽ được cử hành tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đây là lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Mỗi năm đều có hàng vạn du khách từ khắp mọi nơi trên đất nước đổ về tham dự lễ hội, tưởng nhớ đến công đức của vị anh hùng dân tộc.
Thời xưa, triều đình sẽ cử quan lại về làm chủ tế và tổ chức hội theo nghi lễ quốc gia. Có thể thấy ngày giỗ Đức Thánh Trần là vô cùng thiêng liêng vì nhân dân tôn thờ ngài như một người cha.
Ngày nay 20/8 âm lịch mới bắt đầu chính hội nhưng du khách từ khắp mọi miền đất nước đã nô nức kéo về từ vài hôm trước. Ngày hội chính được tổ chức vô cùng trang trọng, mở đầu bằng lễ dâng hương của chính quyền địa phương. Tiếp theo, chính quyền địa phương cử đại diện đọc diễn văn tôn vinh công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thắng lợi của ngài trong cuộc chiến chống quân xâm lược, đồng thời đề cao tinh thần đại đoàn kết cùng lòng yêu nước của dân tộc ta. Sau lễ dâng hương, đại lễ sẽ được cử hành với nghi thức tế uy nghiêm và trang trọng. Ngay sau khi hoàn thành lễ tế, người ta sẽ tiến hành lễ rước, đây là một nghi lễ rất quan trọng, được chọn vào vị trí người chèo thuyền là một vinh dự lớn, công tác chuẩn bị thuyền rước cũng quan trọng không kém. Trên các thuyền rước đều được giăng đèn kết hoa rực rỡ bên mạn thuyền trang trí bằng các dải vải màu đỏ. Riêng thuyền rước Long kiệu được buộc vải màu vàng mạn thuyền, cờ hoa trang trí trên thuyền màu vàng cũng có màu vàng. Lễ rước không giới hạn chỉ cử hành tại địa phương mà quy tụ người dân từ khắp nơi với nhiều loại lễ vật dâng cúng từ các vùng miền trên cả nước. Khi lễ rước bắt đầu Bài vị Ðức Thánh được thỉnh lên cỗ Kiệu sơn son thiếp vàng, rước qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu rước được đưa lên thuyền rồng. Buổi lễ kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ – đồng thời kết thúc ngày chính hội.
Phần hội cũng khá phong phú và đa dạng được tổ chức xen kẽ phần lễ với nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ…. Tiết mục thú vị nhất trong lễ hội Kiếp Bạc phải kể đến cuộc thi đua thuyền với sự tham gia của hàng trăm con thuyền lướt trên mặt sông trong tiếng chiên trống hò reo vang dậy làm nức lòng khán giả. Du khách thập phương về trẩy hội đền Kiếp Bạc để được cảm nhận không khí trận mạc năm xưa, để hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc mình.
Video Lễ Hội Đền Kiếp Bạc