Đặc Sản Quê Hương Hải Dương

Bánh Lòng Kinh Môn

Bánh Lòng là món bánh trứ danh được người dân ở thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn gìn giữ hơn 500 năm qua .

Theo lời các cụ cao niên thôn Huề Trì kể lại: “Ngày xưa trang ấp Huề Trì trù phú, nhộn nhịp, đất đai màu mỡ. Thời nhà Trần, bao quanh làng Huề Trì trồng mây nước, trồng tre, làm hầm chông, Dựng lũy  để đánh giặc Mông Cổ. Trong những tháng ngày giặc vây hãm, bà con dân làng mới nghĩ ra một loại lương khô được chế biến từ gừng, lạc, nếp, đường mật ,… sau đó cất kín trong chum, vại để ăn dần dần. Loại lương khô đó giúp dân làng ấm lòng, vững dạ cùng quân dân cả nước đánh trả bọn giặc khát máu trong thời gian dài. Ngày nay dân Huề Trì vẫn làm loại lương khô xưa, đặt tên là bánh lòng. ”

Bánh lòng thường được làm vào dịp Tết cổ truyền để dâng cúng tiên tổ. Nguyên liệu để làm bánh được lựa chọn kỹ lưỡng  như lạc, đường mật, mứt, vừng, nếp cái hoa vàng, gừng, thịt ba chỉ quay kỹ. Thóc nếp cái hoa vàng được phơi già nắng, hạt nếp mẩy, đều nhau rồi cho thóc vào chảo gang lớn rang, nhiệt độ chảo vừa phải, dùng chổi rơm đảo liên tục để thành bỏng nổ đều. Sau đó đổ thóc ra nia, sẩy hết vỏ trấu giữ lại bỏng, cho bỏng vào cối đá giã thật mịn.

Đun chảo nóng cho nước đường vào chảo, đun đến khi đường cô đặc thành mật, lấy một giọt đường thả vào bát nước nguội, nếu giọt đường không tan ra là được. Đường càng cô đặc thì bánh càng chắc, khô, bánh trữ được lâu mà không bị hỏng. Vừng rang thơm, lạc rang bỏ vỏ lụa, giã nhuyễn gừng rồi lấy nước, thịt ba chỉ thái sợi nhỏ quay kỹ, mứt, hương liệu  rồi cho tất cả các nguyên liệu trên vào chảo đường cô đặc và đảo thật nhanh.

Khi hỗn hợp đảo xong thì đổ ra khuôn bánh để ép. Khuôn bánh được làm bằng gỗ, có hình chữ nhật, dài 22 cm, rộng 11 cm, dày 10 cm. Đổ hỗn hợp bánh vào khuôn, dùng thanh gỗ đặt lên, tiếp đó dùng búa gỗ đập lên cho đến khi bánh chắc là được. Sau đó tháo bánh ra khỏi khuôn, dùng dao cắt thành miếng nhỏ, dùng giấy bạc bọc lại, lấy giấy màu bọc thêm một lớp nữa. Bánh đạt yêu cầu là khi cắt ra bánh có màu trắng, xốp, dẻo, béo, ngọt, thơm mùi gừng.

Bánh Đa Gấc Kẻ Sặt

Bánh đa gấc là sự hòa quyện màu đỏ của gấc, mùi thơm từ gừng, béo của lạc, vừng, dừa; bánh đa được cuộn thành từng cuốn. Ở Hải Dương thì huyện nào cũng có bánh đa gấc nhưng ngon nhất, độc đáo nhất  là bánh đa gấc làng Kẻ Sặt thuộc xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang.

Nguyên liệu làm ra chiếc bánh đa gấc cần có: dừa, củ gừng, gạo, gấc chín, vừng, lạc, đường. Dừa phải chọn trái già, dày cùi; củ gừng không được già quá hay non quá; gạo CR203 tơi, xốp, đều hạt; gấc chín tươi; vừng là loại vừng tấm, hạt đều; lạc già, hạt to, mẩy; đường cát loại ngon.

Khi đã có đủ nguyên liệu vừa ý, ta ngâm gạo trong nước sạch khoảng 1-2 giờ. Vớt gạo để trong rổ cho ráo nước rồi cho vào cối đá xay, xay bằng tay, vừa xay vừa đổ ít nước để hỗn hợp không bị đặc cũng không loãng. Vừng ngâm nước, chà xát bỏ vỏ; lạc tươi thái mỏng, rồi xảy bỏ vỏ lụa; cùi dừa thái mỏng sợi nhỏ; lấy ruột gấc để riêng ra; gừng tươi giã nhỏ lọc lấy nước.

Bánh đa Kẻ Sặt được tráng hai lần, lần 1 rắc vừng, dừa, lạc lên mặt bánh đa nóng, rồi múc 1 muôi bột đổ lên bánh, tráng bột đều ra,đậy vung nồi lại, chờ khoảng 2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa dài chừng 40 cm, đường kính 7- 8cm đặt lên mép bánh đa để bánh dính vào ống nứa, từ từ lăn tròn ống nứa, đưa ống nứa đặt vào tấm phên rồi lăn ngược lại cho bánh đa dính vào tấm phên, cứ làm tương tự như vậy đến khi nào thấy bánh đa kín chỗ tấm phên thì đem tấm phên ra ngoài nắng mà phơi. Khi bánh đa khô lại dùng dao nhỏ cạy bánh lên, dùng dây cột lại thành chồng, bánh có hình tròn người ta cắt đôi bánh thành hình bán nguyệt, khách đến mua người bán hơ bánh qua than hồng rồi cuộn bánh thành hình ống để tránh bánh bị vỡ khi vận chuyển đường dài. Thưởng thức bánh đa gấc Kẻ Sặt cảm nhận được vị thơm của lạc, vừng, dừa, vị cay của gừng sẽ là, người ăn hơi tê đầu lưỡi. Đến quê hương Hải Dương các bạn nhớ mua bánh đa gấc Kẻ Sặt để làm quà nhé.

Bánh Gai Ninh Giang

Thứ quà quê dân dã Bánh gai Ninh Giang, được người dân thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang làm ra đã theo chân nhiều chuyến xe, nhiều chuyến bay đi khắp miền tổ quốc.

Gạo nếp cái Hoa Vàng hạt đều, mẩy, trắng, dẻo, gạo nếp được xay thành bột mịn. Lá gai nếp chọn lá vừa phải, rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ, ninh xong đem rửa bằng nước sạch, trộn với muối, ủ khoảng 3 ngày. Sau khi ủ lá gai xong, cho lá vào cối, giã nát, lọc lấy lá, bỏ sơ lá rồi trộn lá gai đã giã nát với bột nếp để làm vỏ bánh.

Nhân bánh có mỡ lợn, đậu xanh, hạt sen: Lấy mỡ ở phần cổ của lợn, cắt nhỏ chiên giòn lên; đậu xanh bỏ vỏ ngâm với nước sạch cho nở rồi đem luộc và giã thật nhuyễn; hạt sen nấu chín, hạt sen chín xốp, không bị vỡ nát.

Nặn vỏ bánh đã chuẩn bị, vắt nhân bánh cho vào vỏ bánh, dùng tay vo bánh thành hình tròn. Nặn bánh xong cho bánh vào nồi hấp. Bánh chín lấy ra, để ráo nước. Bánh ngon là vỏ bánh dẻo, nhân bánh thơm, ngọt thanh,…

Món bánh quê nhà tuy không cao sang gì nhưng khi ăn chiếc bánh thì gợi lại ký ức về tuổi thơ bình yên bên cây đa, giếng nước sân đình luôn nhắc ta hướng về cội nguồn và trân trọng những gì mình đang có.

Video: Làm bánh gai Ninh Giang

Hải Dương Ứng Dụng Công Nghệ Thông Tin Để Phục Vụ Quản Lý Cơ Sở Hạ Tầng Giao Thông Vận Tải Trên Địa Bàn Tỉnh

Tỉnh Hải Dương có mạng lưới giao thông vận tải tương đối hoàn chỉnh, với gần13.000 km đường bộ, gần 400 km đường sông, là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, công tác quản trị cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông chưa chặt chẽ, ở nhiều bộ phận việc lưu trữ vẫn được thực hiên thủ công một cách rời rạc đồng thời thiếu quan tâm đến việc cập nhật, do vậy đã gây nhiều khó khăn khi cần tra cứu dữ liệu phục vụ việc quản lý, quy hoạch, bảo dưỡng. Hiện tại, công tác quản trị cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông yêu cầu việc lưu trữ phải chính xác, dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên, thông tin phải công khai minh bạch để thuận tiện cho tra cứu, truy xuất thông tin, thu hút đầu tư, phục vụ quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất với UBND tỉnh Hải Dương xét duyệt nghiên cứu đề tài: ” Xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Chủ nhiệm Đề tài là Thạc sĩ Lê Đình Long, giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương, thực hiện trong năm 2016.

Ban chủ nhiệm đề tài đã cùng với các phòng ban có liên quan tiến hành thống kê, rà soát toàn bộ hồ sơ của Sở GTVT và các cơ quan quản lý; khảo sát thực địa tất cả các tuyến đường, xác định vị trí bằng GPS, tiến hành đo đạc, lấy thông số kỹ thuật của hạng mục công trình, xây dựng bản đồ kỹ thuật số của các cơ sở hạ tầng từ các vị trí đã được xác định. Bản đồ số sẽ bao gồm dữ liệu về các tuyến  đường bộ, đường sắt, vận tải xe buýt, đường thủy nội địa. Ngoài ra còn có số liệu về các dự án xây dựng công trình giao thông cơ bản, dự án sửa chữa định kỳ từ năm 2013 đến nay. Các dữ liệu này sau đó được biên tập xây dựng thành bản đồ nền giao thông tích hợp vào hệ thống phần mềm. Các dữ liệu trên được đưa vào phần mềm tích hợp với website của Sở Giao thông vận tải. Phần mềm được lập trình dưới dạng ứng dụng web, có tổng cộng 6 module: quản lý thông tin chung; cập nhật thông tin; quản lý dữ liệu chi tiết; tra cứu, tìm kiếm dữ liệu; quản trị người dùng; trích xuất báo cáo. Phần mềm có chức năng để người dùng tra cứu tình hình cơ sở hạ tầng giao thông vận tải theo tuyến, cập nhật tài liệu theo từng bước thực hiện, đồng thời cho phép người quản trị viên trích xuất báo cáo theo từng thời điểm.

Thông qua đường truyền của sở GTVT, ban quản lý dự án đã tiến hành cập nhật thông tin về toàn bộ các tuyến đường giao thông, vị trí sơ đồ các tuyến quốc lộ, các dự án xây dựng cơ bản và các công trình sửa chữa định kỳ từ năm 2005 đến 2015, đồng thời chỉ đạo các phòng ban có cập nhật ngay khi có thay đổi và bổ sung. Hệ thống phần mềm sẽ được đặt tại máy chủ dịch vụ của Sở GTVT, cho phép kết nối tới cơ sở dữ liệu tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông. Dự án đã được triển khai thành công và liên tục được cập nhật thông tin để đảm bảo tính chuẩn xác kịp thời của phần mềm.

Tại hội thảo nghiệm thu đề tài, phần mềm đã có ảnh hưởng tích cực đến công tác quản lý dữ liệu hạ tầng giao thông giúp thông tin thêm chính xác đồng bộ, việc cập nhật được đầy đủ, kịp thời, minh bạch về điều kiện sử dụng khai thác hạ tầng giao thông. Đề tài triển khai hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, khai thác dữ liệu phục vụ quản lý.

Hải Dương Thúc Đẩy Công Tác Dạy Nghề Cho Lao Động Trong Diện Được Hưởng Trợ Cấp Thất Nghiệp

Hải Dương là một trong các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc bộ, và nắm vai trò khu công nghiệp của toàn vùng thủ đô. Có giao thông thuận lợi với TP-Hà Nội, TP-Hải Phòng và Quảng Ninh, Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Hải Dương có dân số hơn 2.463.000 người, và mật độ khoảng 1.488 người/km2. Dân số đông giúp Hải Dương sở hữu một thị trường lao động lớn.

Trong năm 2016, trung bình hàng tháng có khoảng 800 lao động nhận trợ cấp trong tổng số hơn 250.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy,  Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương luôn chú trọng thực hiện công tác tư vấn – giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện Trung tâm đang triển khai một số lớp dạy nghề cho lao động có nhu cầu, gồm:

– May công nghiệp (thời gian đào tạo 3 tháng).

– Tin học văn phòng (thời gian đào tạo từ 2-3 tháng).

– Lái xe ô tô các hạng, thời gian đào tạo tùy theo từng hạng (từ 2- 5 tháng).

Ngoài ra, trung tâm cũng cho niêm yết danh sách các khóa học của các cơ sở đào tạo nghề trong địa bàn tỉnh để người lao động có nhiều lựa chọn nghề học phù hợp với bản thân.

Theo chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người tham gia bảo hiểm sẽ được nhận trợ cấp 1.000.000đ/ tháng khi đăng ký học nghề, trong thời gian không dài hơn 6 tháng.

Học viên sau khi học nghề sẽ được giới thiệu công việc phù hợp hoặc tư vấn tự tạo việc làm. Đến hết tháng 10/2016, đã có gần 200 lao động được đào tạo nghề với số tiền hỗ trợ hơn 800.000.000 đồng. Chính sách hỗ trợ học nghề đã góp phần không nhỏ trong việc giúp lao động thất nghiệp được học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và ổn định tình hình xã hội tỉnh nhà.

Trong tương lai, chính sách hỗ trợ học nghề cho đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ có nhiều thay đổi để bổ sung mức hỗ trợ cho học viên. Điều này sẽ làm  tăng số lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng kí học nghề. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương cũng tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động đào tạo nghề đến người lao động, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải cách lĩnh vực dạy nghề để thu hút thêm học viên đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy giúp học viên sau khi hoàn thành đạo tạo, đảm bảo được việc làm lâu dài, bền vững.

Hội đền Kiếp Bạc Hải Dương

Hàng năm vào những ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch, Hội đền Kiếp Bạc sẽ được cử hành tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đây là lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Mỗi năm đều có hàng vạn du khách từ khắp mọi nơi trên đất nước đổ về tham dự lễ hội, tưởng nhớ đến công đức của vị anh hùng dân tộc.

Thời xưa, triều đình sẽ cử quan lại về làm chủ tế và tổ chức hội theo nghi lễ quốc gia. Có thể thấy ngày giỗ Đức Thánh Trần là vô cùng thiêng liêng vì nhân dân tôn thờ ngài như một người cha.

Ngày nay 20/8 âm lịch mới bắt đầu chính hội nhưng du khách từ khắp mọi miền đất nước đã nô nức kéo về từ vài hôm trước. Ngày hội chính được tổ chức vô cùng trang trọng, mở đầu bằng lễ dâng hương của chính quyền địa phương. Tiếp theo, chính quyền địa phương cử đại diện đọc diễn văn tôn vinh công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và thắng lợi của ngài trong cuộc chiến chống quân xâm lược, đồng thời đề cao tinh thần đại đoàn kết cùng lòng yêu nước của dân tộc ta. Sau lễ dâng hương, đại lễ sẽ được cử hành với nghi thức tế uy nghiêm và trang trọng. Ngay sau khi hoàn thành lễ tế, người ta sẽ tiến hành lễ rước, đây là một nghi lễ rất quan trọng, được chọn vào vị trí người chèo thuyền là một vinh dự lớn, công tác chuẩn bị thuyền rước cũng quan trọng không kém. Trên các thuyền rước đều được giăng đèn kết hoa rực rỡ bên mạn thuyền trang trí bằng các dải vải màu đỏ. Riêng thuyền rước Long kiệu được buộc vải màu vàng mạn thuyền, cờ hoa trang trí trên thuyền màu vàng cũng có màu vàng. Lễ rước không giới hạn chỉ cử hành tại địa phương mà quy tụ người dân từ khắp nơi với nhiều loại lễ vật dâng cúng từ các vùng miền trên cả nước. Khi lễ rước bắt đầu Bài vị Ðức Thánh được thỉnh lên cỗ Kiệu sơn son thiếp vàng, rước qua Tam Quan hướng tới bờ sông. Từ đây kiệu rước được đưa lên thuyền rồng. Buổi lễ kéo dài khoảng 2 giờ, sau đó lại rước Ngài trở lại đền để làm lễ tạ – đồng thời kết thúc ngày chính hội.

Phần hội cũng khá phong phú và đa dạng được tổ chức xen kẽ phần lễ với  nhiều cuộc thi như thi làm cỗ tiễn thánh, đua thuyền, đấu vật, hát dân ca, quan họ…. Tiết mục thú vị nhất trong lễ hội Kiếp Bạc phải kể đến cuộc thi đua thuyền với sự tham gia của hàng trăm con thuyền lướt trên mặt sông trong tiếng chiên trống hò reo vang dậy làm nức lòng khán giả. Du khách thập phương về trẩy hội đền Kiếp Bạc để được cảm nhận không khí trận mạc năm xưa, để hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc mình.

Video Lễ Hội Đền Kiếp Bạc

https://www.youtube.com/watch?v=4wPY8f1hR4E

Hải Dương: Cơ Hội Tìm Kiếm Việc Làm Cho Lao Động Gần Các Khu Công Nghiệp

Tính đến Quý I năm 2017, tỉnh Hải Dương đã thành lập 10 khu công nghiệp và đưa vào hoạt động ổn định, thu hút nhiều dự án đầu tư của 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hằng năm, các khu công nghiệp này tạo công ăn việc làm cho hằng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh.

Cuối tháng 11/2016,  Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương với sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại khu công nghiệp Lai Vu.

Nhằm mục tiêu giải quyết những vấn đề của khu công nghiệp Lai Vu, Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL), phòng Việc làm An toàn lao động trực thuộc Sở làm đầu mối tổ chức.

Phiên giao dịch được tổ chức dành cho lao động tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành nhằm tạo sự hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp tại địa bàn xã và khu vực lân cận. Phiên giao dịch cũng giúp người lao động hiểu rõ hơn về yêu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời nắm bắt phương pháp tiếp cận với hệ thống thông tin thị trường lao động.

Tại lễ khai mạc, ông Vũ Doãn Quang Giám đốc sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã khẳng định để đạt mục tiêu phát triển bền vững thì giải quyết việc làm là chính sách cơ bản, cần được ưu tiên trong toàn bộ các chính sách kinh tế và xã hội của tỉnh. Các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung, và địa bàn xã Lai Vu, huyện Kim Thành nói riêng.

Đồng thời ông Quang cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải mất bất kỳ khoản chi phí nào để tham gia phiên giao dịch. Trái lại sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất để người lao động có cơ hội tiếp cận với  việc làm theo mong muốn của mình và phù hợp yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Từ khi thành lập đến nay, sàn giao dịch việc làm Hải Dương đã và đang thể hiện rõ vai trò của mình trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2016, sàn giao dịch việc làm đã tổ chức được 55 phiên giao dịch. Đặc biệt sàn giao dịch việc làm Hải Dương còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành cho các đối tượng đặc thù như người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên… thu hút sự tham gia của hơn 1000 doanh nghiệp, tạo được việc làm cho hơn 4300 người. Với sự giúp đỡ của sàn giao dịch việc làm, người lao động được tiếp cận với thông tin, được nhận tư vấn, giới thiệu việc làm tốt hơn. Người sử dụng lao động cũng tuyển chọn được lao động phù hợp với nhu cầu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Video Hải Dương Tạo Việc Làm Cho Người Dân Gần Khu Công Nghiệp

Hải Dương: Kết Hợp Đào Tạo Nghề Và Giải Quyết Việc Làm Cho Lao Động Nông Thôn

Tại Hải Dương, sau nhiều năm nỗ lực triển khai Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, hàng chục ngàn người đã được đào tạo hướng nghiệp, có công việc và thu nhập ổn định.

Cơ sở may của gia đình anh Phạm Quang Hưởng được thành lập từ năm 2010. Cuối năm này, cơ sỡ đã kết hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm mở lớp dạy nghề may công nghiệp. Đến cuối năm 2012, đã có 4 lớp dạy nghề may cho 140 lao động. Sau khi học nghề xong có tới 90% học viên tìm được việc làm. Trong đó, 65% được tuyển dụng vào các Công ty như Công ty may SSV (Gia Lộc) và Công ty May Việt – Hàn (TP Hải Dương). Cơ sở may của anh Hưởng cũng tạo việc làm cho 25% học viên còn lại. Nhìn chung, sau khi đào tạo học viên đều đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Trong thời qua, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm phối hợp với các các cơ sở sản xuất ở địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tập trung vào các nghề trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, may công nghiệp. Đối với nghề nông nghiệp, phần lớn học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế hộ. Đối với các nghề khác, học viên được trung tâm giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp hoặc được hỗ trợ mở xưởng sản xuất tại gia đình; tư vấn để lao động có tay nghề cao đi xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt gần 80%.

Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 – 3 cũng là một đơn vị nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 – 3 cho biết: sau đào tạo, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp cho các lao động nữ trẻ. và tạo việc làm tại chỗ cho những lao động có tuổi lớn hơn. Trong những năm gần đây, 60 – 70 % số lao động học nghề tại trung tâm đã tìm được việc làm”.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hơn 20 cơ sở đào tạo nghề đã ký hợp đồng với sở LĐTB&XH. Các cơ sở này đã mở hơn 800 lớp học với hơn 29 nghìn học viên, kết hợp đào tạo nghề với giải quyết việc làm nên số lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 75%.

Sở đã đưa ra nhiều phương pháp như nâng cao chuyên môn của các cơ sở dạy nghề, khuyến khích các tổ, các cá nhân tham gia dạy nghề. Yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường việc làm và quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động. Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong việc dạy nghề đi đôi với giải quyết việc làm.