Hải Dương: Kết Hợp Đào Tạo Nghề Và Giải Quyết Việc Làm Cho Lao Động Nông Thôn

Tại Hải Dương, sau nhiều năm nỗ lực triển khai Đề án 1956 về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, hàng chục ngàn người đã được đào tạo hướng nghiệp, có công việc và thu nhập ổn định.

Cơ sở may của gia đình anh Phạm Quang Hưởng được thành lập từ năm 2010. Cuối năm này, cơ sỡ đã kết hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm mở lớp dạy nghề may công nghiệp. Đến cuối năm 2012, đã có 4 lớp dạy nghề may cho 140 lao động. Sau khi học nghề xong có tới 90% học viên tìm được việc làm. Trong đó, 65% được tuyển dụng vào các Công ty như Công ty may SSV (Gia Lộc) và Công ty May Việt – Hàn (TP Hải Dương). Cơ sở may của anh Hưởng cũng tạo việc làm cho 25% học viên còn lại. Nhìn chung, sau khi đào tạo học viên đều đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Trong thời qua, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm phối hợp với các các cơ sở sản xuất ở địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tập trung vào các nghề trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, may công nghiệp. Đối với nghề nông nghiệp, phần lớn học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế hộ. Đối với các nghề khác, học viên được trung tâm giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp hoặc được hỗ trợ mở xưởng sản xuất tại gia đình; tư vấn để lao động có tay nghề cao đi xuất khẩu lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt gần 80%.

Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 – 3 cũng là một đơn vị nổi bật trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 – 3 cho biết: sau đào tạo, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp cho các lao động nữ trẻ. và tạo việc làm tại chỗ cho những lao động có tuổi lớn hơn. Trong những năm gần đây, 60 – 70 % số lao động học nghề tại trung tâm đã tìm được việc làm”.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hơn 20 cơ sở đào tạo nghề đã ký hợp đồng với sở LĐTB&XH. Các cơ sở này đã mở hơn 800 lớp học với hơn 29 nghìn học viên, kết hợp đào tạo nghề với giải quyết việc làm nên số lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 75%.

Sở đã đưa ra nhiều phương pháp như nâng cao chuyên môn của các cơ sở dạy nghề, khuyến khích các tổ, các cá nhân tham gia dạy nghề. Yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường việc làm và quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động. Tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp trong việc dạy nghề đi đôi với giải quyết việc làm.