Ông Ngô Văn Kỷ, một hộ trồng vải ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, phấn khởi kể: “Năm 2011, gia đình tôi chuyển từ gieo lúa sang trồng giống vải lai chín sớm, năm nay đây là vụ thứ tư thu hoạch. Gia đình có hơn sáu sào, năm 2016 thu được hơn hai tấn vải, bán được gần 40 triệu vnd, thương lái đến tận vườn thu mua luôn. Trước đây tôi trồng vải chỉ dựa vào kinh nghiệm nên chất lượng vải thấp, năng suất chưa cao, hiệu quả kinh kế thấp. Năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật trồng vải theo đúng qui trình VietGap, công với thời tiết thuận lợi nên vườn vải nhà tôi cây nào cũng ra hoa, tỷ lệ đậu quả rất cao, theo ước tính sản lượng đạt khoảng hơn 3 tấn, tăng gấp 1,5 lần sao với vụ năm trước. ”
Hộ nông dân Đặng Văn Nga, cho biết: “Tôi có hơn một mẫu đất trồng vải lai chín sớm, năm nay tôi áp dụng kỹ thuật IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) ngay sau khi thu hoạch. Được cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp huyện tập huấn hướng dẫn kỹ thuật khoanh gốc, giảm bớt chất dinh dưỡng để kiểm soát cây vải giảm lộc lá và cho lộc hoa ra đúng thời điểm vả lại năm nay thời tiết thuận lợi cho cây vải sinh trưởng. Năm nay vườn vải ra hoa đạt tỉ lệ 100%, tỷ lệ đậu quả cao hơn 50-60% so với vụ vải năm ngoái.”
Hơn 500 ha vải của huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) trồng tập trung tại các xã Tống Trấn, Tiên Tiến, Tam Đa, Minh Tiến,… Trong năm 2016, vải lai chín sớm đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, tạo cơ hội xuất khẩu, nâng cao uy tín thương hiệu quê vải Hưng Yên và giúp tăng thu nhập cho bà con trồng vải.
Hiện tại, vải đang thời kỳ quả non, chủ vườn đang tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như rệp, sâu đục cuống, bọ xít; bệnh thán thư, sương mai,…để hạn chế quả vải bị teo nhỏ, rụng quả. Theo dự kiến mùa thu hoạch vải năm nay bắt đầu từ cuối tháng năm đến đầu tháng 6. Sản lượng vải lai ước đạt khoảng 7.000 tấn, tăng 50% so với cùng kỳ.
Nhằm cải thiện chất lượng vải, uy tín thương hiệu và hiệu quả kinh tế cho bà con trồng vải, các cơ quan đơn vị chuyên môn của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tập huấn mô hình thâm canh vải theo qui trình VietGap, IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), quản lý, theo dõi sâu bệnh với diện tích hơn 40 ha. Trong quá trình triển khai, nông dân tham gia mô hình được học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ một phần chi phí thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, phân bón,…Ngoài ra huyện Phù Cừ còn trích ngân sách hỗ trợ kinh phí mua hộp xốp, túi nilông, in tem nhãn để bà con đóng vải khi thu hoạch.
Để quảng bá hình ảnh vải lai chín sớm Phù Cừ, đẩy mạnh việc thu mua, xuất khẩu vải, lãnh đạo huyện Phù Cừ phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, xúc tiến tại các hội chợ thương mại trong và ngoài nước để quáng bá đặc sản vải, tích cực tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu có số lượng lớn, quản lý thương hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ, thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn sao chép, bán hàng kém chất lượng gây mất uy tín thương hiệu và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Video: Vải lai chín sớm Phù Cừ được mùa, được giá