Cùng Khám Phá Những Địa Danh Nổi Tiếng Ở Hà Nội

* Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội

Khu Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc Đại Việt-Chămpa-Trung Hoa tạo nên công trình văn hóa, tâm linh, quân sự của kinh đô Đại Việt từ thế kỷ 11-18. Khu Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội bao gồm khu thành cổ Hà Nội và khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu di tích có diện tích vùng ven khoảng 108 ha, diện tích khu trung tâm hơn 18 ha. Vào năm 2010, trong phiên họp lần thứ 34, tổ chức Unesco đã công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới.
Khu di tích thành cổ Hà Nội: rộng hơn 13 ha, khu vực trung tâm di tích còn lại năm điểm di tích tiêu biểu là Đoan Môn, Kỳ Đài, nền Cung Điện Kính Thiện, Bắc Môn, Hậu Lâu.
– Đoan Môn: Là cổng phía Nam, có ba vòm cửa, cửa chính giữa chỉ dành riêng cho vua, Đoan Môn là lối đi dẫn đến cung điện Kính Thiên. Từ triều đại nhà Lý đã cho xây dựng cổng, nhưng di tích Đoan Môn hiện nay là do nhà Hậu Lê xây dựng và được nhà Nguyễn tu sửa ở thế kỷ 19.
– Kỳ đài: Được vua nhà Nguyễn xây dựng năm 1805, Kỳ Đài có 3 tầng: Tầng một cao 3,1m, tầng hai cao 3,7 m, tầng cao 5,1 m; trong thân Kỳ Đài có 54 bậc tam cấp xoáy hình trôn ốc dẫn tới đỉnh.
– Nền điện Kính Thiên: Được xây dựng năm 1428, dưới triều Hậu Lê trên nền điện Càn Nguyên nhà Lý, Trần. Ngày xưa điện Kính Thiên đã bị thực dân Pháp phá hủy; hiện nay chỉ còn lại nền điện, bậc tam cấp và rồng đá chạm trổ tinh xảo từ thế kỷ 15.
– Bắc môn: Được xây năm 1805, dưới triều vua Gia Long, Bắc Môn được làm bằng gạch, cổng vòm bằng đá.
– Hậu lâu: Còn có tên gọi khác là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công Chúa là hành cung nghỉ ngơi của phi tần, mỹ nữ, cung nữ vua Nguyễn khi Hoàng đế Ngự giá Bắc Tuần. Hậu Lâu đã bị phá hủy ở thế kỷ 19 và công trình hiện nay do thực dân Pháp xây dựng lại.
Khu di tích khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu: Được phát hiện và khai quật năm 2002, chia làm 4 khu A, B, C, D. Tại địa điểm khai quật phát hiện vết tích nền móng trụ cột gỗ, đồ đồng, đồ sứ, giếng nước, di cốt động vật,… có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 19. Chứng tỏ khu di tích này trước kia từng là trung tâm chính trị quyền lực của các triều đại phong kiến nước ta.
Tại di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ học Việt Nam, Nhật Bản đã phát hiện dấu tích cung điện, hiện vật tiêu biểu như: ngói ống có men xanh, chén sứ Ai Cập, tượng chim thần Garuda, …Phản ánh mối quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa giữa Đại Việt và các nước Trung Quốc, Tây Á, Chămpa, Nhật Bản,…

Địa chỉ: Quán Thánh, quận Ba Đình, TP-Hà Nội
Điện thoại: 090.448.1157
Website: Hoangthanhthanglong.vn

* Văn miếu – Quốc Tử Giám

Năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông truyền chỉ dụ dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Phu Tử, Nguyên Thánh và đưa Thái Tử đến Văn Miếu học.
Tháng 4-1253, Hoàng đế Trần Thái Tông ban chỉ mở rộng Quốc Tử Giám thu nhận con dân thường có học lực xuất sắc về học.
Đời vua Trần Minh Tông trị vì, vua vời Chu Văn An làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp, Chu Văn An kèm cặp dạy bảo Thái tử và các hoàng tử. Năm 1370 thầy Chu Văn An qui tiên, vua Trần Nghệ Tông cho thờ thầy ở Văn Miếu bên cạnh đức Khổng Tử.
Năm 1484, minh quân Lê Thánh Tông cho dựng 15 bia Tiến sĩ đầu tiên của những người đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến 1779.
Vua Gia Long nhà Nguyễn truyền bãi bỏ Quốc Tử Giám ở Hà Nội, đổi tên thành nhà Thái Học để thờ cha mẹ Khổng Phu Tử, xây thêm Khuê Văn Các ở trước Văn Miếu.
Năm 1999, TP-Hà Nội quyết định xây dựng lại nhà Thái Học có diện tích 1.530 m2 trên nền đất cũ của Quốc Tử Giám, trong khuôn viên Văn miếu – Quốc Tử Giám.

Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám:

Văn Miếu – Quốc Tử Giám có tổng diện tích 54.331m2, phía trước cổng là bốn trụ cột lớn, hai bên tả hữu có hai bia đá “hạ mã”. Đi vào Nội tự được chia làm 5 khu vực gồm:
Khu 1 (Nhập đạo): Từ cửa Văn Miếu đến cửa Đại Trung, hai bên cửa Đại Trung có thêm hai cửa nhỏ ở hai bên là Đạt Tài môn và cửa Thành Đức môn.
Khu 2 (Thành đạo): Từ cửa Đại Trung đến Khuê Văn Các, hai bên Khuê Văn Các có hai cửa nhỏ là Súc Văn môn và Bí Văn môn
Khu 3: Có 82 bia tiến sĩ, khắc tên, nguyên quán của 1304 vị đậu Tiến sĩ với 82 khoa thi (1484-1780). Khu bia nằm đối diện hai bên Thiên Cung tỉnh là cửa Đại Thành; cửa Đại Thành có hai cửa nhỏ là Ngọc Chấn môn và Kim Thanh môn.
Khu 4 (Đại Thành Điện): Ở hai bên sân Đại Bái có dãy nhà Tả vu và Hữu vu nơi thờ tự bài vị 72 người học trò tài giỏi của Khổng Phu Tử và nhà giáo dục lỗi lạc Chu Văn An,…Những công trình kiến trúc trong Văn Miếu được đẽo, gọt bằng gỗ lim, ngói mũi hài, gạch nung được bàn tay tài hoa người thợ nước Việt xây dựng để tôn vinh nền nho học nước ta.
Khu 5: Khu Thái học là nơi thờ cúng song thân đức Khổng Tử, vốn trước kia Thái Học là trường Quốc Tử Giám thời Lý-Trần-Lê sau đó vua nhà Nguyễn dời Quốc Tử Giám vào kinh đô Phú Xuân.

Địa chỉ: 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP-Hà Nội
Điện thoại: 0437472566
Website: Vanmieu.gov.vn

* Chùa Một Cột

Tên thường gọi Chùa Một Cột, nhưng tên gọi chính xác là Liên Hoa Đài nằm trong khuôn viên chùa Diên Hựu.
Hoàng đế Lý Thái Tông chiêm bao thấy Quan Âm Bồ Tát ngự trên đài sen, Ngài đưa tay dắt vua lên đài sen. Sau khi tỉnh giấc mộng vua cho truyền quần thần, thuật lại câu chuyện, nhà sư Thiền Tuệ đã tâu với vua nên dựng cột đá giữa hồ làm đài sen của Quan Thế Âm như trong giấc mơ và đặt tên là Liên Hoa Đài .
Chùa Một Cột trải qua nhiều lần trùng tu trong các triều đại, Chùa Một Cột hiện nay được chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xây dựng lại năm 1955 sau khi bị thực dân cài thuốc nổ đánh sập năm 1954. Chùa được thiết kế bằng gỗ, lợp mái ngói, chùa được dựng trên một chân trụ đá; trụ đá cao 4m (chỉ tính phần nổi, chưa tính phần chìm trong nước), đường kính 1,2m.

Địa chỉ: Đội Cấn, quận Ba Đình, TP-Hà Nội
Điện thoại: 096.808.6529

Video: Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội