Nỗ Lực Tìm Phương Pháp Giải Quyết Việc Làm Cho Người Lao Động Ở Vĩnh Phúc

Thời gian qua, tỉnh ủy Vĩnh Phúc luôn đặt công tác giải quyết việc làm cho người lao động vào danh sách các vấn đề cần được ưu tiên. Với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ cho vay xuất khẩu lao động (XKLĐ)… đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của người lao động; đồng thời chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động nông thôn.

Hiệu quả từ Nghị quyết 37

Với nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi do có nhiều con đường giải quyết việc làm cho người lao động. Để tận dụng lợi thế này, chất lượng nguồn nhân lực cần phải được nâng cao. Chính vì vậy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37/2011/NQ/HĐND, nghị quyết tập trung giải quyết các vấn đề trong công tác dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức, hướng nghiệp, phân luồng và giải quyết việc làm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, sau thời gian 4 năm, số lượng lao động tham gia học nghề đã tăng đáng kể, trình độ tay nghề cũng được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Tỉnh cũng đã mở hơn 1.000 lớp học bồi dưỡng kiến thức tại các xã, phường, thị trấn cho gần 150 nghìn lao động cùng với nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng về nông nghiệp, nhờ đó giải quyết việc làm cho trên 19 nghìn lao động với kinh phí 13,9 tỷ đồng. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cao đẳng nghề (400.000 đồng/người/tháng), trung cấp nghề (350.000đồng/người/tháng) đã thu hút được hơn 66 nghìn học viên tham gia… đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề của tỉnh lên vượt qua mức trung bình của cả nước.

Công tác hỗ trợ XKLĐ cũng nhận được nhiều quan tâm. Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết 37 đã tăng mức cho vay và hỗ trợ lãi suất cho vay XKLĐ, tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt khó khăn tài chính cho người muốn XKLĐ. Song song với đó, công tác cho vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm cũng được thúc đẩy, tạo điều kiện cho các hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy nguồn vốn vay đã giúp cho nhiều hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất, tạo việc làm mới và việc làm thêm cho lao động nông nhàn.

Theo Giám đốc Công ty TNHH SUZUKAKU Việt Nam: Việc tỉnh triển khai các chính sách ưu đãi của đã hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng của Công ty. Không những thế, các chương trình hỗ trợ dạy nghề cũng giúp Công ty giảm được chi phí, thời gian để đào tạo lại tay nghề cho công nhân. Với nguồn nhân lực dồi dào cùng sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ hoạt động tốt hơn, đóng góp thiết thực cho ngân sách và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Năm 2011 khi tỉnh tiến hành triển khai các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ, gia đình anh Nguyễn Viết Xuân  (xã Hồng Phượng, huyện Yên Lạc)  đã quyết định vay vốn để sản xuất. Với số vốn vay được cùng với việc được hỗ trợ đến 70% lãi suất trong năm đầu, anh đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Hiện gia đình anh đã trả hết số tiền vay và thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Đổi mới từ chính sách

Ngoài những hiệu quả rõ ràng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 37 vẫn vấp phải một số hạn chế. Mức hỗ trợ cho đối tượng truyền nghề, học nghề thấp, không đủ chi phí bảo đảm việc dạy và học; chi phí hỗ trợ cho XKLĐ chưa cao… dẫn đến lượng người đi XKLĐ còn ít. Do đó, tháng 12 năm 2015, HĐND tỉnh đã thay thế  Nghị quyết 37 bằng Nghị quyết 207/2015/NQ – HĐND “Về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm”.

Bên cạnh việc ban hành và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm, tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để mở sàn giao dịch việc làm online thường xuyên tại các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm; xây dựng mạng lưới thu thập, phân tích và cung cấp thông tin thị trường lao động, nhất là thông tin về cầu lao động và dự báo về thị trường lao động. Đồng thời, đẩy mạnh sự liên kết giữa các trung tâm giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trên địa bàn và các cơ sở đào tạo nghề; duy trì Tổng đài tư vấn về chính sách lao động – việc làm, thông tin thị trường lao động.