Thành Phố Bắc Ninh Giải Quyết Việc Làm Cho Người Lao Động

Nhờ sự quan tâm của chính quyền đối với người dân, những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại thành phố Bắc Ninh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bắc Ninh là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội. Với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh, cộng với tiềm năng đất đai sinh lợi cao, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông thuận lợi nên thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, đầy triển vọng. Đây là những yếu tố quan trọng để thành phố vươn lên phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với lợi thế trên là những thách thức không nhỏ cho địa phương khi tốc độ đô thị hoá nhanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mở rộng quy mô, dẫn đến diện tích sản xuất sẽ thu hẹp, nông dân thiếu việc làm. Trong khi nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhiều năm qua, giải quyết việc làm cho người lao động ở Bắc Ninh đạt được những kết quả khả quan, trung bình mỗi năm giải quyết được từ 5000 đến 5.200 lao động. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động khoảng 103.000 người. Trong đó, có khoảng 80-82% có việc làm thường xuyên. Đây là một con số khá ấn tượng. Bắc Ninh ngày càng có nhiều doanh nghiệp, dự án được triển khai và đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho người lao động dáng kể. Hiện tại thành phố có hơn 1.247 doanh nghiệp với nhiều dự án lớn đã giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.

Thời gian tới, nhiều dự án thu hút và đi vào hoạt động như: Trường Đại học Dược Hà Nội, Đại học Thống kê, dự án Samsung Display trên 1 tỷ USD ở Khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh… hứa hẹn sẽ giải quyết cho hàng ngàn lao động.

Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, thành phố tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề bằng nhiều nguồn kinh phí để người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Nhưng phần lớn lao động sau khi được đào tạo xong không tìm được cơ hội, không vận dụng được những kiến thức được đào tạo. Trước vấn đề này, các cơ sở dạy nghề của thành phố cần làm việc với các công ty lớn như: Samsung, Canon… để đặt vấn đề cung cấp lao động theo hình thức đào tạo lao động gắn với giải quyết việc làm.

Theo bà Trần Hồng Diễm, các cơ sở dạy nghề chủ động được nguồn ra sẽ tạo điều kiện cho thanh niên địa phương được đào tạo nghề sau khi ra trường được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Điểm quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố chính là phong trào xuất khẩu lao động. Hiện nay, lao động đi xuất khẩu nước ngoài của thành phố gần 700 người. Để vận động, tuyên truyền cũng như hướng dẫn cho người dân, thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cung ứng lao động, tổ chức các hội nghị tư vấn. Vì vậy, nhiều lao động có thông tin đầy đủ và chính thống để đi đúng hướng, phù hợp với điều kiện cũng như năng lực, trình độ tay nghề của bản thân.

Trong những năm qua, thành phố còn chú trọng đẩy mạnh phát triển các làng nghề và phát triển thêm nghề mới để nâng cao giá trị sản xuất cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều làng nghề nổi tiếng và ngày càng phát triển như: Làng nghề bún bánh ở Khắc Niệm, sản xuất giấy ở Phong Khê, mộc mỹ nghệ ở Khúc Xuyên. Việc phát triển các làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động nông thôn.

Bắc Ninh tập trung giải quyết việc làm cho lao động bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đạt được những kết quả đáng khích lệ nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, khó khăn như trình độ, năng lực của người lao động chưa cao, tâm lý thụ động, chưa mạnh dạn vươn lên làm giàu, công tác đào tạo nghề còn hạn chế… là những thách thức không nhỏ cho địa phương. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi thành phố cần có giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nhất là lao động nông thôn; phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ, tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng địa phương, tăng cường thông tin, tuyên truyền giới thiệu việc làm và định hướng cho lao động để tìm được việc làm ổn định.