Những năm qua lãnh đạo, các ban, ngành tỉnh Bắc Ninh luôn coi vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động là vấn đề quan trọng giúp ổn định và phát triển tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà. Ủy ban nhân dân tỉnh, sở lao động thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh đã phối hợp tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Đồng thời tỉnh đã qui hoạch phát triển nguồn nhân lực Bắc Ninh trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, định hướng tới năm 2020 với nhiều chương trình, đề án, chính sách giải quyết việc làm.
Hiện tại Bắc Ninh có 15 khu công nghiệp-đô thị và 25 cụm công nghiệp làng nghề thủ công. Các khu công nghiệp-đô thị đã có hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư sản xuất, góp phần không nhỏ giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành tác phong công nghiệp cho người lao động, nâng cao chất lượng chuyên môn nguồn nhân lực. Hàng năm giải quyết việc làm khoảng 26.000 đến 27.000 lao động, cụ thể xuất khẩu lao động gần 1.500 người, giải quyết việc làm trong nước 25.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tỉnh Bắc Ninh luôn ở mức thấp, khoảng 3,2 % (năm 2016).
Bằng nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả như tỉnh ủy Bắc Ninh phê duyệt đề án qui hoạch trung tâm dịch vụ việc làm đến năm 2020 và sàn giao dịch việc làm đã góp phần hỗ trợ người lao động tìm việc và cung ứng lao động nhanh chóng cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn.
Dù có nhiều cố gắng nhưng mặc bằng chung về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, thu nhập, nhu cầu giải trí,… của người lao động nói chung, công nhân nói riêng vẫn có sự chênh lệnh giữa các khu công nghiệp, giữa công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty trong nước, giữa quản lý so với công nhân…Việc làm lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp còn ít, thiếu ổn định. Sự gắn kết giữa người tìm việc, doanh nghiệp tuyển dụng, cơ sở giáo dục vẫn chưa có sự thống nhất. Đặc biệt tình trạng nhiều sinh viên ở trường cao đẳng, đại học tốt nghiệp ra trường nhưng không xin được việc vì những bất hợp lý trong khâu đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Nhiều bạn sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ yếu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, tác phong làm việc môi trường công nghiệp chưa có. Trong đó doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng nhân lực có hàm lượng chất xám rất cao nhưng chỉ tuyển được 15% lao động trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, 85% tuyển là lao động phổ thông mà chỉ yếu là nữ.
Ngành lao động thương binh và xã hội năm 2017 đã đặt mục tiêu tuyển mới và đào tạo nghề cho 34.000 người, trong đó xuất khẩu lao động 1.800 người, sơ cấp nghề thời gian ít hơn ba tháng 30.600 người, trung cấp 2.500 người, cao đẳng nghề 900 người; dạy nghề 150 người khuyết tật và 4.000 lao động nông thôn.
Tăng cường tìm kiếm, dự báo thị trường xuất khẩu lao động truyền thống và thị trường lao động mới để từ đó phối hợp giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn, đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, hướng dẫn văn hóa luật pháp nước sở tại, hỗ trợ pháp lý để đưa người lao động yên tâm sang nước ngoài làm việc lâu dài.
Xây dựng nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, xây dựng công trình vui chơi-văn hóa cho công nhân, chăm lo sức khỏe, xây dựng nhà giữ trẻ ở khu công nghiệp, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh tiếp cận dịch vụ công ích của địa phương để họ yên tâm làm việc, sinh sống và đóng góp vào sự phát triển ổn định của tỉnh Bắc Ninh.