Về Bắc Ninh Thăm Đình Làng Hoài Thượng Và Nghe Kể Chuyện Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo

Nằm yên bình nơi thôn dã, đình làng Hoài Thượng (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) là nơi thờ tự Lưỡng quốc Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Tạo (Trạng Bịu)- một vị Tể tướng làm quan triều Hậu Lê và thờ ba vị đông quân: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam – những vị tướng có công chống ngoại xâm thời Hai Bà Trưng.

Đình Hoài Thượng được xây dựng ở thời Hậu Lê, đình mang nhiều kiến trúc độc đáo được bàn tay người thợ Đại Việt kỳ công chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Đình còn giữ được nhiều hiện vật, tài liệu cổ có giá trị lịch sử như: Sắc phong, quấn thư, hoành phi, bài vị, sập thờ, câu đối, binh khí, kiệu bát cống, câu đối,…Đình còn bảo lưu bút tích thơ văn của Tể tướng Nguyễn Đăng Đạo.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sĩ Liên thì Nguyễn Đăng Đạo sinh năm 1651, qui tiên năm 1719, người thôn Hoài Thượng. Ông sinh ra trong gia đình khoa bảng, bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo,  cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, em ruột Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân. Nguyễn Đăng Đạo đỗ Khôi Nguyên kì thi quý hợi (1683), triều vua Lê Hy Tông. Sau khi đỗ Trạng nguyên ông được bổ dụng làm ở tòa Đông Các, rồi được bổ vào Hàn Lâm Viện, tiếp đó Nguyễn Đăng Đạo lần lượt kinh qua nhiều chức vụ trọng yếu trong triều đình Hậu Lê như: Lại Bộ Hữu Thị Lang, Đô Ngự Sử, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, Binh bộ thượng thư, Tể tướng. Ông được vua Lê rất trọng vọng, bạn bè đồng lưu kính ngưỡng.

Giai thoại về Nguyễn Đăng Đạo, mẫu thân Ngài chiêm bao ngôi sao lớn sáng như bó đuốc sa vào bụng bà mà sinh ra Đạo. Thuở niên thiếu Đăng Đạo được người bác (Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo ) rất mực yêu quí đứa cháu nhỏ, ông thường bế cháu và vỗ bụng chú bé mà bảo là “Triều đình ghét ta không cho đỗ Khôi Nguyên, chứ thằng cháu nhỏ này, dù không cho cũng không được. ” Lúc Đạo mới dăm ba tuổi theo bác ra ải môn quan đón tiếp sứ thần triều Thanh, sứ Thanh vốn giỏi thuật tướng số, trông thấy thần sắc chú bé Đạo tóc còn để chỏm, bèn nói “Thiên sơn vạn thủy, lam chướng bất xâm, chơn kỳ đồng dã” (tạm dịch nghĩa: “Dặm ngàn non nước mà lam chướng không xâm phạm nổi, thì cũng là đứa trẻ khác lạ.”).

Nhà Thanh nhiều lần cho quân xâm chiếm biên ải nước ta, vua cử Đăng Đạo dẫn đầu sứ đoàn Đại Việt sang thương thuyết, tỏ bày chuyện đúng sai, tỏ rõ vị thế  Đại Việt. Ông hoạt ngôn ứng đối thơ văn, lập luận chuyện cương thổ thấu tình đạt lý làm cho vua Thanh cùng sứ đoàn các nước phải khâm phục. Vua Thanh phong cho ông là  “Bắc triều đệ nhất trạng nguyên”, ban y mão, lệnh quan quân hộ tống ông về tới quan ải Đại Việt. Tài ngoại giao, thơ văn, quân sự, chính trị xuất chúng của Nguyễn Đăng Đạo đã làm rạng danh trang sử hào hùng dân tộc.

Với quê hương Kinh Bắc, Cụ Nguyễn Văn Kháng, 77 tuổi, thủ từ đình làng Hoài Thượng kể: Ông làm tới chức Tể Tướng nhưng ông thường vẫn quan tâm đến đời sống người dân. Khi có dịp về quê ông hỏi thăm chuyện học hành, cày cấy của dân quanh vùng. Dân làng Hoài Thượng vẫn còn nhớ câu chuyện chia ruộng thuở xưa: Ông xin lĩnh đất hoang, đất xấu rồi cho những gia đình nghèo ra đó khẩn hoang, cải tạo thành ruộng cày cấy được thì ông chia cho các gia đình nghèo đó luôn.

Nhân dân quanh vùng còn nhớ ơn cứu đói dân chúng  của vị quan thanh liêm, vào một năm mất mùa, dân quê ông đói khổ, làng quê xác xơ. Trước tình cảnh ấy, ông viết thư cho phu nhân mình nhờ phát tiền, phát gạo, phát thóc giống cứu dân. Nhờ đó mà người dân vượt qua cơn đói kém, ổn định dần cuộc sống.

Năm 1719, ông qui tiên, vua Lê Dụ Tông ban bốn chữ vàng “Lưỡng quốc Trạng nguyên” treo trang trọng tại đề thờ ông.

Mỗi năm cứ vào ngày 12-1 (âm lịch), dân làng thôn Hoài Thượng lại nô nức tổ chức hội làng để tưởng nhớ ba vị tướng quân và quan Tể tướng Nguyễn Đăng Đạo nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống  hiếu học trên quê hương Lưỡng quốc Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, ấm cúng, đúng tục lệ được các cụ cao niên trong làng truyền lại. Phần hội sôi động với nhiều trò chơi dân gian như đập niêu, kéo co, tổ tôm điếm, vật, hát quan họ,…

Qua năm tháng tàn phá của chiến tranh, thiên nhiên, đình Hoài Thượng không còn nguyên vẹn như xưa. Nhân dân địa phương góp công, góp sức để tôn tạo ngôi đình làng, làm nơi thờ cúng các vị danh nhân có công với nước. Ngoài ra, đình làng Hoài Thượng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ.