Vĩnh Phúc: Họp Đánh Giá Tình Trạng Lao Động Và Tìm Giải Pháp

Mới đây, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình giải quyết việc làm cho người lao động trong 5 tháng đầu năm và đề xuất biện pháp tăng cường xuất khẩu lao động (XKLĐ) và giải quyết việc làm trong 7 tháng cuối năm 2017. Chủ trì cuộc họp là Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh.

Theo báo cáo, 5 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 10 nghìn lao động, đạt 44,4% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 9.500 lao động, xuất khẩu có thời hạn 640 lao động đi nước ngoài. Tính đến tháng 5/2017, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh đã chi trả trên 3 tỷ đồng hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hơn 300 hồ sơ. Toàn tỉnh có trên 1000 gia đình và người lao động được vay vốn với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng; 79 hộ vay vốn XKLĐ với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Theo đánh giá, dù công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động được triển khai tương đối đồng bộ nhưng số lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài còn khá ít, chỉ đạt khoảng 32% so với chỉ tiêu giao cho các đơn vị trong năm 2017, các huyện đạt tỷ lệ thấp nhất là: Bình Xuyên, Lập Thạch, Yên Lạc.

Trong 7 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Giải quyết việc làm tỉnh tăng cường thúc đẩy công tác tuyên truyền và triển khai Nghị quyết 207 và các quyết định khác đến người dân tạo điều kiện  giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu đề ra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, từ đó mau chóng tìm ra giải pháp hiệu quả; tiếp tục có giải pháp để người lao động có nhu cầu đi XKLĐ tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách của tỉnh; tăng cường tuyên truyền công tác phân luồng học sinh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về định hướng nghề nghiệp…

Cuối buổi họp, Đồng chí Vũ Việt Văn yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo các cấp tập trung rà soát đánh giá thực trạng nguồn lao động, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người lao động có việc làm. Sở LĐTB&XH phải thường xuyên có thông báo định kỳ, kịp thời tình hình nhu cầu lao động để có giải pháp tuyên truyền, định hướng cụ thể, sát thực; phối hợp Sở GD&ĐT, các huyện trong cách thức định hướng giáo dục nghề nghiệp tại các trường học; phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát các thủ tục cho vay XKLĐ. Sở LĐTBXH và các địa phương cần làm việc với các doanh nghiệp có dịch vụ XKLĐ giáo dục nâng cao ý thức người lao động, đảm bảo người lao động chấp hành quy chế, kỷ luật lao động, tôn trọng pháp luật ở các nước sở tại; các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các thành quả của người đã đi XKLĐ để tạo niềm tin, động lực cho người lao động, góp phần thực hiện kế hoạch giải quyết việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo đúng chỉ tiêu đề ra.