Vĩnh Phúc- Lực Lượng Lao Động Trẻ Dồi Dào Nhưng Còn Thiếu Kỹ Năng

Hiện nay ở địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động một cách thường xuyên để bắt kịp tiến độ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế không nhiều doanh nghiệp tuyển dụng được đủ số lượng lao động cần thiết. Lý do là dù lực lượng lao động trẻ rất đông đảo nhưng chưa đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để thỏa mãn các yêu cầu cơ bản của đa số doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 645 nghìn người. Bình quân mỗi năm số người đủ độ tuổi lao động vào  khoảng 14 nghìn người. Tính cả số người kết thúc nghĩa vụ quân sự, học sinh sinh viên mới tốt nghiệp, và số lao động thất nghiệp thì hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc cần giải quyết việc làm cho khoảng hơn 20 nghìn lao động.

Tại phiên giao dịch việc làm của tỉnh không thiếu sự tham gia của người lao động có tay nghề và lao động đạt trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Dù vậy, những hồ sơ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng lại không đạt được số lượng như mong đợi dù rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đối với lao động trình độ cao.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, dù nắm trong tay tấm bằng đại học loại khá, giỏi, người lao lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết khác mà công việc của họ cần có. Ông Trần Huy Văn, đại diện nhà tuyển dụng công ty Cổ phần Hưng Hà chia sẻ: “Lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên vừa tốt nghiệp, thường thiếu kinh nghiệm thực tế nên họ gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu công việc, điều này gây tồn thất khá nhiều về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp khi phải cử nhân viên có nhiều kinh nghiệm kèm cặp, chỉ bảo”.

Do đòi hỏi của công việc, Công ty cổ phần TTC có trụ sở tại Khu công nghiệp Phúc Yên, có nhu cầu cao đối với lao động có tay nghề. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ phòng nhân sự của công ty: “Hầu hết lao động được mới vào làm tại công ty đều phải trải qua quá trình đào tạo lại bằng hình thức vừa học, vừa làm. Bởi mặc dù người đã qua quá trình đào tạo ở các trường dạy nghề, đã đạt được trình độ từ cấp, trung cấp thậm chí cao đẳng, nhưng kiến thức lý thuyết, thậm chí thực hành trong giảng đường và trong công việc thực tế tại doanh nghiệp gần như không có điểm chung.”

Nhiều nhà tuyển dụng cũng chia sẻ thêm: Kể cả những lao động giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn vững chắc, cũng gặp nhiều khó khăn do không có kỹ năng ứng xử, hoặc rất kém về ngoại ngữ.

Thông thường, lao động trẻ khi mới vào doanh nghiệp đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp, sau khi chứng minh được năng lực, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp và thì mới có thể thăng tiến. Tuy nhiên, trên thực tế có một số sinh viên quá tự tin vào bằng cấp của mình mà không quan tâm đến điều này, họ sẵn sàng “nhảy việc” khi không được vào vị trí mong muốn.

Bên cạnh những hạn chế về mặt kiến thức, kinh nghiệm, một trong điều khiến các doanh nghiệp “e dè” khi tuyển dụng là lao động trẻ là tác phong, ý thức trong quá trình làm việc. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đối tượng lao động phổ thông thường hay gặp phải những vấn đề khá “buồn cười” như: Lao động tự ý nghỉ việc vì lý do “ bận việc nhà”, hoặc chuyển sang làm ở công ty khác cùng bạn bè “cho vui”; không tuân thủ các quy định về giờ giấc; an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ; tự ý di chuyển vị trí làm việc… Những sự việc trên xảy ra một phần là do ý thức của lao động phổ thông còn chưa cao, tư tưởng còn lạc hậu theo lối nhà nông, chưa có tác phong công nghiệp khi làm việc trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp.

Bên cạnh những điểm mạnh như sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình thì những lao động trẻ của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại những còn những khuyết điểm riêng do cả yếu tố khách quan và chủ quan mang lại. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, bản thân người lao động trẻ phải chủ động trong việc học tập, rèn luyện để đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.